Hàng nghìn dự án bất động sản Trung Quốc sắp nhận được sự hỗ trợ về vốn theo một chương trình của Chính phủ nước này, khi các nhà hoạch định chính sách tăng cường nỗ lực nhằm cứu thị trường nhà đất khỏi cuộc khủng hoảng thanh khoản kéo dài.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối tuần vừa rồi cho biết đến cuối tháng 1 vừa qua, 170 thành phố thuộc 26 tỉnh của nước này đã lên danh sách đợt đầu gồm hơn 3.000 dự án bất động sản đề nghị ngân hàng thương mại ưu tiên cấp vốn vay. Trong số này, đến hiện tại đã có 83 dự án được cấp số vốn tổng cộng 17,86 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,48 tỷ USD.
Nhưng theo tờ Wall Street Journal, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của cơ chế trên, cảnh báo rằng nỗ lực này của nhà chức trách sẽ vấp phải trở ngại là việc các ngân hàng ngại cấp vốn vay cho ngành bất động sản do mối lo về lợi nhuận và chất lượng tài sản của chủ đầu tư. Các nhà phân tích cũng nói cơ chế cấp vốn vay mới có thể “quá ít, quá muộn” xét tới lượng vốn khổng lồ cần thiết để hoàn tất các dự án nhà ở chưa xây xong đã bán ở Trung Quốc.
Từ cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để “hồi sinh” thị trường bất động sản, như giảm lãi suất các khoản vay thế chấp nhà và dỡ bỏ một số hạn chế về vay vốn đặt ra trước đó đối với các chủ đầu tư bất động sản. Dù vậy, các biện pháp này chưa thể “thổi một luồng sinh khí mới” vào ngành địa ốc đang ngập trong nợ và đối mặt với doanh số ảm đạm. Năm 2023, đầu tư phát triển bất động sản ở Trung Quốc giảm 9,6%; số dự án mới khởi công giảm 20,4% và tổng trị giá số nhà bán được giảm 6%.
Tháng 1 vừa qua, 100 doanh nghiệp địa ốc lớn nhất của Trung Quốc ghi nhận mức giảm sâu về doanh số bán nhà mới - theo dữ liệu từ trung tâm Thông tin Bất động sản Trung Quốc. Tổng trị giá số nhà mà các chủ đầu tư này bán được trong tháng 1 là 32,83 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm tồi tệ nhất kể từ ít nhất tháng 7/2020 - thời điểm mà trung tâm thay đổi cách thức tính toán.
Trong số 3.218 dự án trong danh sách cần hỗ trợ vốn, 84% là dự án của doanh nghiệp tư nhân và các công ty sở hữu đa dạng. Các doanh nghiệp này bao gồm “gã khổng lồ” Country Garden Holdings - đơn vị có hơn 30 dự án được đưa vào danh sách.
Ngoài việc vực dậy thị trường bất động sản, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng đang nỗ lực vạch ra một con đường mới cho hệ thống nhà ở của nước này. Nỗ lực đó bao gồm cam kết cung cấp thêm các dự án nhà ở giá rẻ có vốn nhà nước nhằm giải toả bớt sức ép kinh tế từ cuộc suy thoái nghiêm trọng của ngành bất động sản.
Tuy nhiên, mức độ bền vững của nỗ lực này sẽ bị thử thách bởi khó khăn tài chính của các chính quyền địa phương, khi nền kinh tế giảm tốc và thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất giảm sút - theo giới chuyên gia kinh tế.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bơm 150 tỷ nhân dân tệ vốn lãi suất thấp để cho vay các dự án nhà ở và hạ tầng theo khuôn khổ một cơ chế cho vay bổ sung mà cơ quan này đã cam kết. Hồi tháng 12, PBOC đã bơm 350 tỷ nhân dân tệ theo cơ chế cho vay này.
Các đợt bơm vốn trên của PBOC rót tiền cho các ngân hàng chính sách nhà nước, để các đơn vị này cấp vốn vay cho các dự án bất động sản lớn, bao gồm các dự án nhà ở xã hội và nâng cấp các khu dân cư đô thị.