Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong quý đầu năm khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn. Trong bối cảnh nguồn thu eo hẹp, nhiều doanh nghiệp đành “ngậm ngùi” cắt giảm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhân sự để tiết kiệm chi phí. Vòng xoáy cuốn theo cả những tên tuổi đình đám trong lĩnh vực bất động sản và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sau nhiều quý mở rộng quy mô liên tiếp, Vinhomes (VHM) đã bất ngờ cắt giảm mạnh số lượng nhân sự trực tiếp trong quý đầu năm. Số lượng nhân viên của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam tại thời điểm cuối quý 1 còn 11.664 người, giảm 1.527 người so với đầu năm. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 3.146 người so với thời điểm năm ngoái.
Trong bối cảnh ngành bất động sản gặp muôn vàn khó khăn, Vinhomes vẫn là điểm sáng khi soán ngôi Vietcombank để trở thành quán quân lợi nhuận sàn chứng khoán. Trong quý 1, Vinhomes ghi nhận lợi nhuận sau thuế 11.923 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng là cái tên duy nhất trên sàn lãi ròng trên 10.000 tỷ trong quý đầu năm.
Không được khả quan như Vinhomes, Đất Xanh (DXG) lại đi xuống cả về kết quả kinh doanh và quy mô nhân sự. Thời điểm cuối quý 1, số lượng nhân viên của tập đoàn chỉ ở mức 2.389 người, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Con số này đã giảm 1.384 người so với đầu năm và ít hơn đến 4.776 người so với thời điểm năm ngoái.
Trong quý 1, Đất Xanh ghi nhận doanh thu giảm sâu 79% so với cùng kỳ, xuống 378 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán căn hộ và đất nền chỉ đạt gần 268 tỷ đồng, giảm gần 73%; doanh thu từ dịch vụ môi giới cũng đạt gần 83 tỷ, tương ứng 1/9 cùng kỳ năm trước… Sau khi trừ chi phí, Đất Xanh lỗ ròng 117 tỷ đồng quý đầu năm trong khi cùng kỳ năm trước lãi 536 tỷ đồng.
Một công ty con của Đất Xanh là Đất Xanh Services (DXS) cũng cắt giảm mạnh nhân sự trong quý đầu năm. Đến cuối quý 1, số nhân viên của doanh nghiệp này chỉ còn 2.095 người, giảm 1.245 người so với đầu năm. Đất Xanh Services hiện là nhà môi giới bất động sản lớn nhất Việt Nam với thị phần 33%. Hoạt động môi giới bất động sản cũng không mấy khởi sắc trong quý 1/2023, doanh nghiệp này lỗ ròng 44 tỷ đồng.
Trong báo cáo thường niên 2022, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT Đất Xanh cho biết mục tiêu đầu tiên của tập đoàn trong năm nay sẽ tập trung tái cấu trúc mô hình hoạt động, kiện toàn bộ máy quản trị, hệ thống phòng ban. Theo ông Thìn, chỉ khi bộ máy tinh gọn, nền tảng ổn định sẽ là tiền đề để doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới.
Một “ông lớn” khác trong ngành bất động sản là Novaland (NVL) cũng tiếp tục thu hẹp quy mô nhân sự sau quý đầu năm. Cuối quý 1, số nhân viên của tập đoàn còn 1.362 người, giảm 42 người so với đầu năm. Trước đó, Novaland đã cắt giảm đến hơn 500 nhân sự chỉ trong 6 tháng cuối năm 2022.
Quý đầu năm, Novaland lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.045 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu sụt giảm mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 600 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn này báo lỗ trong một quý kể từ khi niêm yết vào năm 2016 đến nay.
Với quy mô khiêm tốn hơn nhiều, Phát Đạt (PDR) cũng cắt giảm rất mạnh tay lực lượng nhân sự trong 2 quý vừa qua. Thời điểm 31/3, số lượng nhân viên của doanh nghiệp bất động sản này chỉ còn 244 người, giảm 111 người so với đầu năm và chỉ bằng chưa đến 60% so với thời điểm cuối quý 3 năm ngoái.
Phát Đạt tuy không lỗ nhưng lợi nhuận sau thuế quý 1 vỏn vẹn 22,4 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 cùng kỳ. Doanh thu chỉ đạt hơn 192 tỷ đồng, cũng giảm mạnh 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến hoạt động chuyển nhượng đất hụt thu đến gần 70% so với cùng kỳ, xuống còn gần 189 tỷ đồng.
Ngoài những cái tên kể trên, một số doanh nghiệp bất động sản khác lại không có nhiều biến động lớn về mặt nhân sự thời gian qua điển như Khang Điền (KDH). Thậm chí, Nam Long (NLG) còn đi ngược xu hướng cắt giảm để nâng quy mô nhân sự lên 890 người, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Thách thức vẫn còn
Nhằm tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, nhiều giải pháp đã được đề xuất thời gian qua. Đơn cử như gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay cả người xây dựng và người mua nhà ở xã hội; các kiến nghị về tháo gỡ vướng mắc pháp lý... Nghị định 08 cũng được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản “dễ thở” hơn.
Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian để các giải pháp đi vào thực tế và tạo ra tác động tích cực lên thị trường bất động sản. Còn trước mắt, các doanh nghiệp bất động sản được dự báo vẫn còn không ít thách thức phải đối mặt trong thời gian tới.
Theo BSC, doanh nghiệp bất động sản vẫn khó huy động nguồn vốn từ khách hàng vì niềm tin của người mua nhà giảm, nhu cầu thực chưa được đáp ứng, nhu cầu đầu tư giảm mạnh và hạn chế trong việc tiếp cận khoản vay. Trong khi đó, các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và cổ phiếu gặp nhiều “cơn gió ngược”, thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh áp lực đáo hạn trái phiếu tập trung vào 2023-2024, môi trường lãi suất cao cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả các doanh nghiệp phát triển bất động sản và người mua nhà.
Theo đó, BSC cho rằng ngành BĐS đang bước vào giai đoạn ảm đạm tạm thời, giai đoạn tái cấu trúc toàn diện để sẵn sàng đón đợi chu kỳ tiếp theo của ngành. Triển vọng trong dài hạn tích cực khi nhu cầu nhà ở thực vẫn cao và nguồn cung dần được “cởi trói” nhờ hai yếu tố:
(1) Tiến độ hoàn thiện pháp lý được đẩy mạnh, thị trường hướng đến sự minh bạch, lành mạnh, tăng tính bền vững thông qua Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, Luật đất đai sửa đổi và Quyết định số 1435/QĐ-TTg.
(2) Hạ tầng kết nối được phát triển đồng bộ sẽ dần kéo nhu cầu thực sang các khu vực ngoại thành, giảm tải áp lực cho các thành phố lớn nơi quỹ đất còn lại rất hạn chế.