Không khó bắt gặp các thông tin như “bất động sản thanh lý ngân hàng” hay “ngân hàng rao bán ngộp bất động sản” trên các trang rao vặt, trang tin của môi giới bất động sản.
Mảnh đất hơn 1 tỉ đồng tại Tp.Biên Hoà (Đồng Nai) mới đây ngân hàng rao bán thanh lý với giá 500 triệu đồng. Chưa rõ thực hư việc thanh lý có đúng không nhưng tần số môi giới gọi điện “chào mời” tăng mạnh sau thời điểm Tết. Khi nhận hình ảnh khu đất nhận thấy, đó là đất dự án ở khá xa khu dân cư hiện hữu. Theo lời môi giới, các nền đất này đều là hàng thanh lý ngân hàng hoặc hàng ngộp cần bán giá rẻ. Nhiều người sau thời gian vay ngân hàng không đủ khả năng trả nợ, nên trả luôn mảnh đất cho ngân hàng tự bán ra.
Cùng với đó, thị trường đất nền, nhà phố xuất hiện nhan nhãn thông tin “hàng ngộp”. Môi giới liên tục rao bán hàng dưới giá vốn, sản phẩm giảm từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Các bảng tên “hàng ngộp” xuất hiện thường xuyên tại các điểm trực của môi giới.
Mới đây, một lô đất 71m2 tại P.Trường Thạnh, Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức) “cắt lỗ thu vốn” giá từ 3.4 tỉ đồng xuống còn 2.8 tỉ đồng/nền. Mức cắt lỗ 600 triệu đồng này theo môi giới là còn ít hơn một số bất động sản. Có trường hợp chủ đất/chủ nhà giảm cả tỉ đồng để nhanh bán được. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, mức giảm này có trường hợp vẫn không phải là hàng lỗ thực. Dù giảm nhiều nhưng chủ đất vẫn lời so giá mua vào.
Điều dễ nhận thấy là sau thời điểm Tết nguyên đán, thông tin hàng ngộp, hàng thanh lý bất động sản xuất hiện nhiều hơn thời điểm trước Tết. Nhiều người liên tục bị “dội bom” tin nhắn, điện thoại của môi giới bất động sản.
Theo một nhà đầu tư lâu năm, trước Tết nhiều người vẫn “gồng” được các chi phí. Sau Tết, khi thị trường chưa có dấu hiệu chuyển biến, nhiều người quyết định bán dưới giá vốn, hoặc trả lại tài sản thế chấp cho ngân hàng. Đặc biệt, ở phân khúc đất nền, tỉ lệ thanh lý và bán ngộp tăng cao hơn so với các phân khúc khác. Điều này cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã thực sự “đuối sức” trước chi phí lãi vay và áp lực trả nợ.
Nên vội xuống tiền với hàng thanh lý?
Cơ hội mua bất động sản giá hợp lý là điều dễ thấy ở giai đoạn này. Tuy vậy, thực tế những thông tin về hàng ngộp, hàng thanh lý ngân hàng hoàn toàn không đúng như sự thật.
Với giá rao bán đất khá rẻ từ 300-800 triệu đồng/nền, những thông tin này đã thu hút được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không ít khách hàng thất vọng ra về sau khi đi thực tế thấy đất quá xấu, nằm ở vị trí xa, giấy tờ chưa rõ ràng…, khác nhiều so với nội dung được quảng cáo.
Nhiều môi giới chào khách đất thanh lý với lời cam kết đi kèm “Mua lô đất này khoảng 3 tháng là chị có thể lời từ 100 triệu đồng trở lên”. Nhiều người ham rẻ, không tìm hiểu kỹ khu đất rất có thể “dính bẫy” về giá, pháp lý.
Thực tế, các nhà băng khi thanh lý tài sản sẽ đăng tải công khai, minh bạch các thông tin trên website và các phương tiện truyền thông chứ không kiểu phát tờ rơi dọc đường hay dán trên cột điện, hay thông qua lời môi giới.
Theo đó, rất có thể thông tin thanh lý ngân hàng trên các tờ rơi, tin nhắn… là mạo danh. Điều này là một trong các chiêu bán hàng của môi giới để lôi kéo người mua tìm đến xem đất.
Từng chia sẻ trên báo chí, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận định, nếu xét về khía cạnh thị trường thì những mỹ từ mà dân kinh doanh sử dụng như thanh lý, giá rẻ… thực chất chỉ là kỹ thuật quảng cáo để thu hút khách hàng. Cách dùng từ ngữ này cũng là một thủ thuật người môi giới nhà đất dùng để đánh vào tâm lý người dân khi mặc định cái gì thanh lý giá cũng rẻ và nhất là nếu có ngân hàng đứng sau thì sẽ an tâm hơn.
Tuy nhiên, phần lớn những nền đất này đều có vị trí khá xa trung tâm, thuộc hàng kén người mua.
"Với những dự án đất giá rẻ, thấp hơn giá trung bình trên thị trường khu vực thì thường tiềm ẩn yếu tố rủi ro pháp lý. Hoặc là giấy tờ chưa hợp lệ, hoặc là khu vực đó chưa được phép phân lô tách thửa. Do đó, nhà đầu tư cần phải đặc biệt quan tâm để tránh mất tiền oan vì những loại tài sản không rõ nguồn gốc, pháp lý mập mờ”, vị này nhấn nhấn mạnh.
Với bối cảnh khó khăn như hiện nay, thị trường xuất hiện các thông tin hàng ngộp, hàng thanh lý là dễ hiểu. Tuy nhiên, để mua được sản phẩm xứng đáng thì người mua cần tìm hiểu kỹ càng khu vực, sản phẩm, vấn đề pháp lý để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” “thật giả lẫn lộn”.