Hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm gần 90% tổng tài sản của Khang Điền. |
Hàng tồn kho chiếm hơn 60% tổng tài sản
Trong bối cảnh vật liệu xây dựng tăng cao, nhiều dự án phải tạm ngừng triển khai xây dựng hoặc thay đổi kế hoạch đầu tư, hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cũng tăng cao. Hàng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS chủ yếu nằm ở các chi phí liên quan trực tiếp đến các dự án đang xây dựng dở dang.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2022, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Khang Điền, HOSE: KDH) ghi nhận hàng tồn kho tăng 56,6% so với hồi đầu năm đạt hơn 12.113 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do ghi nhận 3.181,3 tỷ đồng dự án Khu nhà ở Đoàn Nguyên bởi Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên chủ đầu tư.
Ngoài ra, tồn kho của dự án Khu dân cư Tân Tạo cũng tăng thêm hơn 1.088 tỷ đồng (tăng 30,5%) lên 4.653,3 tỷ đồng; Dự án Bình Trưng – Bình Trưng Đông 531,1 tỷ đồng; Dự án Khang Phúc – Khu dân cư Bình Hưng 11A 517,4 tỷ đồng,...
Tuy nhiên, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của nhiều dự án thuộc hàng tồn kho đã được Khang Điền thế chấp cho các khoản vay ngân hàng.
Tính đến 30/6/2022, các khoản phải thu của Khang Điền tăng 14,3% so với hồi đầu năm đạt mức 4.871,2 tỷ đồng. Như vậy các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm tới 88,8% tổng tài sản của Khang Điền.
Áp lực nguồn vốn của Khang Điền
Việc hàng tồn kho tăng mạnh khiến Khang Điền đang phải chịu áp lực về nguồn vốn. Điều này thể hiện rõ qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các hoạt động vay nợ của Khang Điền trong kỳ.
Cuối quý 2/2022, dòng tiền kinh doanh chính của Khang Điền ghi nhận âm hơn 2.000 tỷ đồng do hàng tồn kho tăng mạnh. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm hơn 22 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.991,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ (2.423,5 tỷ đồng).
Như vậy, Khang Điền đã tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo các BCTC được công bố, từ năm 2018 tới nay, dòng tiền kinh doanh Khang Điền thường xuyên bị thâm hụt và phải huy động dòng vốn bên ngoài để tài trợ.
Có thể thấy, dòng tiền kinh doanh năm 2018 ghi nhận âm gần 719 tỷ đồng, năm 2019 ghi nhận âm 163,5 tỷ đồng. Đến năm 2021, Khang Điền tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 2.009,7 tỷ đồng. Việc này làm gia tăng gánh nặng lãi vay cũng như rủi ro về tài chính nếu doanh nghiệp không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ đến hạn. Thậm chí nếu kéo dài, doanh nghiệp có thể sẽ mất khả năng thanh toán.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Khang Điền tăng gần 3.210 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 5.762,4 tỷ đồng, tương đương tăng 127,8%.
Đáng chú ý, Khang Điền có gần 942,2 tỷ đồng vay ngân hàng ngắn hạn đến hạn phải trả; Khoản nợ ngân hàng dài hạn của Khang Điền là 4.451,7 tỷ đồng tăng hơn 2,7 lần so với hồi đầu năm.
Mặt khác, Khang Điền cũng đang sở hữu khoản nợ 300 tỷ đồng trái phiếu. Ngày 14/6/2021, doanh nghiệp này đã phát hành thành công lô trái phiếu mã KDHH2125001 với tổng giá trị 400 tỷ đồng (Khang Điền đã chi 100 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn).
Đây là lô trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền. Kỳ hạn trái phiếu 4 năm, lãi suất 12%/năm, được thanh toán 6 tháng/lần.
Nhà Khang Điền tiếp tục huy động thêm 800 tỷ đồng trái phiếu
Vừa qua, Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Khang Điền (KDH) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị chào bán tối đa là 800 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm với lãi suất danh nghĩa cố định ở mức 12%/năm. Thời gian phát hành dự kiến chậm nhất đến hết quý III/2022, trong một đợt duy nhất.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Nhà Khang Điền sẽ sử dụng toàn bộ 800 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành để đầu tư vào công ty con là TNHH Tư vấn Quốc Tế. Sau đó đơn vị này lại mang đi góp vốn vào công ty con Đầu Tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng.