Đơn giản bởi giá hàng hoá Trung Quốc quá rẻ để các quốc gia khác có thể cạnh tranh.
Theo hãng tin Bloomberg, đó là quan điểm nổi bật tại hội chợ Canton Fair đã diễn ra ở Trung Quốc trong tháng 4 này. Đây là sự kiện thương mại lớn nhất của Trung Quốc, được tổ chức hàng năm tại thành phố Quảng Châu. Nhiều người mua và người bán tại hội chợ năm nay tỏ ra không lo ngại về rủi ro chiến tranh thương mại leo thang.
"Thuế quan 50% cũng mặc"
“Khách hàng của tôi bảo rằng ngay cả thuế quan 50% cũng chẳng khiến họ ngừng mua hàng của chúng tôi”, ông Jack Jin - một nhà cung cấp công cụ kiểm soát hàng hoá và linh kiện ô tô tải đến từ miền Đông Nam Trung Quốc - cho biết. Jin tiết lộ một nửa số đơn hàng của ông đến từ khách Mỹ - những người có thể bán những sản phẩm mua từ Jin với mức giá cao gấp 4 lần giá mua.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại của nước này leo thang trong năm nay - năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ. Sự gia tăng căng thẳng này diễn ra trong bối cảnh có nhiều cáo buộc cho rằng Trung Quốc - nước sản xuất hàng hoá nhiều nhất thế giới - đang bán phá giá hàng hóa và trợ cấp không công bằng cho các ngành công nghiệp trong nước. Danh sách sản phẩm mục tiêu của các cáo buộc này ngày càng dài hơn, bao gồm kim loại, tàu biển cũng như ô tô điện.
Ông Trump đã cho biết ông có thể áp đặt mức thuế quan hơn 60% lên tất cả hàng hoá từ Trung Quốc vào Mỹ. Tổng thống Joe Biden - đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 - tuần trước đã cam kết sẽ tăng gấp 3 lần thuế đối với thép Trung Quốc, một mặt hàng mà các nền kinh tế mới nổi cũng đã bày tỏ lo ngại. Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho ngành ô tô điện, có thể dẫn đến việc áp thuế quan sau vài tháng nữa. Ngoài ra, EU cũng đang xem xét kỹ lưỡng các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và đường sắt của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các thương nhân tại Canto Fair cho biết thế giới vẫn cần hàng hóa Trung Quốc dù thế nào đi nữa. Họ đang tìm cách để lách hàng rào thuế quan. Và ngay cả những khách hàng đang tìm kiếm lựa chọn thay thế trong chuỗi cung ứng cũng cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ là nguồn cung ứng hàng hoá lớn nhất của họ, bởi các quốc gia khác không thể theo kịp Trung Quốc về chất lượng và chi phí.
Ông Samuel Jackson, người đến Canton Fair lần này với tư cách là người mua hàng cho một công ty nội thất Bosnia, cho biết ông có thể mua được những sản phẩm có tiêu chuẩn “rất, rất giống” với mức giá chỉ bằng một nửa so với mức giá mà các nhà sản xuất châu Âu đưa ra. Ông cho rằng thuế quan có thể có một số tác động, “nhưng Trung Quốc là một quốc gia quá lớn. Họ có những quốc gia khác để bán hàng”.
Theo ông Alex Student, một nhà nhập khẩu phụ kiện ô tô từ California, chính người tiêu dùng Mỹ mới là những người phải chịu gánh nặng thuế quan đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Ông cho biết khi ông Trump áp thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc ở nhiệm kỳ cầm quyền trước, các nhà bán lẻ ở Mỹ đã từ chối trả giá cao hơn, thay vào đó yêu cầu ông đề nghị phía nhà cung cấp Trung Quốc đưa ra phiên bản sản phẩm rẻ tiền hơn.
“Cuối cùng thì ai phải trả thuế quan? Người tiêu dùng chứ ai”, ông Student nói. “Người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận chất lượng sản phẩm kém đi, hoặc phải trả thêm tiền để mua được sản phẩm với chất lượng như cũ”.
Ông Student tiết lộ một cách để ông bù lại việc hàng hoá nhập từ Trung Quốc bị áp thuế quan, đó là tính giá FOB (Free On Board - giá hàng trả cho bên bán được tính tại cảng xuất, không bao gồm phí bảo hiểm và cước tàu). Điều này có nghĩa là chi phí logistics và lưu kho sẽ do khách hàng Mỹ trả, dẫn tới giá hàng để tính thuế quan giảm xuống.
“Có nhiều cách để né thuế quan”, ông Student nói.
Kế hoạch dự phòng
Hàng Trung Quốc có giá rẻ ngay cả đối với người mua từ các nước kém phát triển. Ông Daniel Lulandala, chủ một công ty kinh doanh máy móc ở Tanzania, đã có chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc và rất phấn khởi vì có thể đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất địa phương.
Giá hàng hoá ở Canton Fair thấp đến mức khiến ông Lulandala nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh. Ông đang tính mở một nhà máy ở Tanzania để sản xuất đồ chơi xếp hình trẻ em, sử dụng máy móc Trung Quốc có giá khoảng 8.000 USD. Ông tin mình có thể kiếm lại số tiền đó chỉ trong vòng 3 tháng.
“Nếu tôi đến đây vài năm trước đó, bây giờ tôi có thể ở một tầm cao hơn rồi”, Lulandala nói.
Theo các nhà tổ chức tổ chức, trong số 125.000 người mua nước ngoài tham dự hội chợ kéo dài đến ngày 19/4, chỉ có 18% đến từ Mỹ và châu Âu. Điều đó không chỉ do căng thẳng thương mại gia tăng, mà còn do mối quan hệ với các nền kinh tế đó đã được thiết lập chắc chắn từ lâu và người mua thường là khách lớn hơn. 2/3 số người tham dự hội chợ này là những người đến từ hầu hết các quốc gia mới nổi nằm trong kế hoạch hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc, tăng từ tỷ lệ khoảng một nửa cách đây 1 thập kỷ.
Giá thành rẻ của hàng hoá Trung Quốc gây ấn tượng với người mua nước ngoài, nhưng đó đồng thời cũng là dấu hiệu phản ánh nhu cầu ở nước này đang yếu do các hộ gia đình không muốn chi tiêu trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào tình trạng giảm phát. Chuyển hướng sang đẩy mạnh xuất khẩu có thể giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, nhưng mặt khác lại ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn là tăng cường vai trò của người tiêu dùng trong tăng trưởng kinh tế.
Ông Jin, người bán phụ tùng xe tải, thừa nhận “có chút” lo lắng về ông Trump - ứng cử viên mà ông cho là khó đoán hơn ông Biden. Ông cũng nhận thức được sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia mới nổi khác. Công ty của ông đã ngừng sản xuất sản phẩm vòng kim loại dùng cho xe tải vì các nhà sản xuất Ấn Độ có thể đưa ra mức giá thấp hơn do được giảm thuế.
Student cho biết ông đã bắt đầu lên “kế hoạch dự phòng”. Công ty của ông đã nhập khẩu một số hàng hóa từ Việt Nam vào năm ngoái - đánh dấu lần đầu tiên công ty này mua hàng từ nguồn ngoài Trung Quốc kể từ thập niên 2000. Hiện công này cũng đang xem xét một số sản phẩm nhất định ở Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên, theo ông Student, những quốc gia này còn phải đi một chặng đường dài mới có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả trong “kịch bản xấu nhất”, Trung Quốc vẫn có thể sẽ nhận được khoảng 75% đơn hàng của công ty ông. “Tôi không thể thấy trước một con số ít hơn”, ông nói.