Tờ Nikkei Asian Review cho hay hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD đã đăng ký bản quyền công nghệ nhiều gấp 16 lần so với đối thủ Tesla trong vòng 20 năm qua, một động thái được cho là dùng chế tài quốc tế để bảo vệ kỹ thuật trước rủi ro bị sao chép.
Điều trớ trêu là rủi ro này đến từ chính các hãng xe đối thủ trong nước chứ không phải Tesla.
Cụ thể, số liệu của hãng Patent Result cho thấy đế chế nhà Elon Musk đã đăng ký 836 bản quyền công nghệ trong khoảng 2003-2022, thấp hơn nhiều so với hơn 13.000 đăng ký của BYD trong cùng kỳ.
Luật sư Hideto Kono của Patent nhận định BYD thường đăng ký bản quyền ít nhất gấp 10 lần so với Tesla ở các khâu trong chuỗi cung ứng.
Hơn một nửa số đăng ký bản quyền của BYD là liên quan đến lĩnh vực ắc quy khi hãng xe điện này phát triển theo chiều dọc, nghĩa là tự sản xuất ắc quy để hạ chi phí làm ô tô điện.
Ngoài ra, BYD cũng đăng ký nhiều công nghệ sản xuất khác giúp giảm chi phí trong chuỗi cung ứng của mình.
Theo Nikkei, thế mạnh của BYD hiện nay liên quan nhiều đến dòng ắc quy Lithium dùng sắt phốt phát làm cực âm.
Trái ngược lại, các nhà sản xuất ắc quy Nhật Bản lẫn Hàn Quốc lại chuộng ắc quy Lithium Ternary, vốn dùng các vật liệu đắt tiền hơn như Niken và Cobalt.
Ngoài ra BYD cũng phát triển các công nghệ mới cho quá trình sản xuất-lắp ráp, ví dụ như tích hợp nền tảng điện tử 3.0 trong quá trình lắp ắc quy vào thân xe, qua đó giúp giảm chi phí.
Tờ Nikkei nhận định hiện Trung Quốc mỗi năm ghi nhận hơn 10.000 vụ kiện bản quyền sáng chế so với chỉ 3.000-4.000 ở Mỹ và 100 ở Nhật Bản.
Chính điều rủi ro bị ăn cắp công nghệ quá nhiều tại Trung Quốc đã càng thúc đẩy các công ty như BYD tích cực đăng ký bản quyền bất cứ khi nào có thể.
Về phía Tesla, đế chế nhà Elon Musk lại áp dụng một phương pháp tiếp cận khác khiến việc đăng ký bản quyền không thực sự quan trọng đến vậy.
Phương pháp của Elon Musk
Hãng Tesla vốn nổi tiếng về mặt công nghệ và phần mềm nhưng lại có cách tiếp cận bảo mật kỹ thuật rất khác so với BYD.
Cụ thể, những công nghệ mới của hãng thường chỉ được dùng trong các nhà máy của Tesla mà không hề được tiết lộ ra bên ngoài, qua đó giảm thiểu khả năng sao chép cũng như chi phí đăng ký bản quyền.
Theo Elon Musk, việc công khai đăng ký bản quyền công nghệ sẽ buộc doanh nghiệp phải công bố chi tiết kỹ thuật trước công chúng, tạo ra rủi ro bị sao chép hoặc cải tiến mới.
“Những kỹ thuật cải tiến sản xuất thường không được Tesla đăng ký bản quyền”, luật sư Kono cho biết.
Ngoài ra, những cải tiến phần mềm dùng trong quy trình sản xuất tại Tesla thường sử dụng nhiều thông tin công khai nên việc đăng ký bản quyền trở nên không cần thiết và dễ bị bắt chước hơn nếu bị tiết lộ.
Đế chế nhà Elon Musk được cho là dẫn đầu ngành xe điện trong mảng cải tiến công nghệ sản xuất.
Ví dụ như Gigacasting, khi một khuôn đúc khổng lồ được tạo ra nhằm sản xuất khung xe điện thay vì làm từng bộ phận nhỏ rồi lắp ghép vào. Kỹ thuật này cho phép Tesla giảm thời gian sản xuất khung xe từ hàng tiếng đồng hồ xuống vài phút.
Sản phẩm Model Y của Tesla hiện đã thay thế 171 bộ phận lắp ráp bằng 2 khuôn đúc lớn bằng nhôm, qua đó tăng năng suất và tiết kiệm chi phí.
Thậm chí vào tháng 3/2023, Tesla còn công bố một kỹ thuật sản xuất mới mang tên “Quy trình mở hộp”, theo đó xe điện sẽ được sản xuất tương tự quy trình làm máy tính và smartphone.
Cụ thể, xe điện sẽ được chia thành 6 modul, mỗi modul sẽ được sản xuất và gắn đầy đủ các thiết bị bên trong rồi cuối cùng mới lắp ráp hoàn thiện, qua đó tăng tốc chuỗi sản xuất.
Theo Nikkei, phần lớn các bằng sáng chế của Tesla tập trung vào mạng lưới trạm sạc và hệ thống kết nối giữa người lái với ô tô thay vì các cải tiến trong quy trình sản xuất.
*Nguồn: Nikkei Asia Review