Theo CNN, báo cáo mới nhất vào đầu tháng 10 của Trung tâm Hàng không (CAPA) có mạng lưới toàn cầu cho biết, châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sẽ đánh mất ngôi vị “khu vực du lịch lớn nhất thế giới” vào cuối năm nay. CNN cũng khẳng định du lịch ở APAC sẽ không phục hồi cho đến năm 2024 do biên giới của Trung Quốc vẫn bị đóng cửa. Theo các nhà phân tích, ước tính có tới khoảng 140 triệu du khách không đi du lịch trong khu vực.
Các dữ liệu chỉ ra rằng APAC từng chiếm một phần ba tổng hành trình trên toàn cầu trước dịch, với gần 3,4 tỷ lượt hành khách. Tính đến cuối năm 2022, con số này chỉ còn 1,8 tỷ lượt, giảm 45%. Tại từng nước, số lượng các chuyến đi cũng thấp hơn 50% so với cùng kỳ 2019. Ấn Độ là một trong số các trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, khi phục hồi nhanh hơn và chỉ thấp hơn 11% so với 2019.
Theo đánh giá của CAPA, yếu tố quan trọng dẫn đến sự phục hồi chậm chạp này là chính sách biên giới nghiêm ngặt của Trung Quốc, và việc Nhật Bản chậm nới lỏng các hạn chế đi lại. Trong khi đó, hai quốc gia này là thị trường du lịch hàng đầu khu vực. Điều này tác động lớn đến ngành du lịch của các nước còn lại. Ngay cả khi các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã loại bỏ hầu hết các hạn chế du lịch của họ, sự vắng mặt của khách du lịch Trung Quốc vẫn tiếp tục đè nặng lên sức hoạt động và giá phòng của khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Koichiro Obu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản, châu Á - Thái Bình Dương của DWS, một công ty quản lý tài sản của Đức, cho biết: "Sự phục hồi trong lĩnh vực khách sạn đang bị trì hoãn do việc kiểm soát biên giới chặt chẽ ở Trung Quốc. “Tôi hiểu rằng 90% khách du lịch nước ngoài ở Trung Quốc từng đi du lịch trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và số lượng khách du lịch nước ngoài từ Trung Quốc đại lục đã tăng ít nhất 10 triệu người mỗi năm, vì vậy chúng ta có thể thấy rằng họ động lực chính của tăng trưởng. Chúng tôi không thấy sự phục hồi hoàn toàn trong năm tới, sớm nhất có lẽ sẽ là vào năm 2024", ông Obu nói.
Chính sách biên giới nghiêm ngặt của Trung Quốc, và việc Nhật Bản chậm nới lỏng các hạn chế đi lại khiến du lịch châu Á hồi phục kém.
Trong khi đó, châu Âu đang là "ngôi sao sáng" trong việc phục hồi du lịch sau đại dịch, khi việc đi lại bằng đường hàng không phục hồi tới 85%, bất chấp tác động từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, cũng theo CAPA. Một trong những lý do là các hạn chế về phòng chống dịch bệnh tại châu lục này sớm được gỡ bỏ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Điều đó thúc đẩy du khách sớm quay trở lại lục địa này nhiều và nhanh hơn các nơi khác.
Trong bốn tuần cuối từ ngày 20/8, giá trung bình hàng ngày tại các khách sạn ở các nước châu Âu như Pháp, Ý, Hy Lạp và Croatia là trên 250 USD mà vẫn “cháy” phòng, thì tại châu Á - Thái Bình Dương, giá phòng trung bình đã hạ xuống khoảng 50 USD, theo dữ liệu mới nhất từ STR, đơn vị chuyên theo dõi hoạt động của các khách sạn. Ông Koichiro Obu cho biết, điều này đã buộc nhiều chủ khách sạn châu Á phải từ bỏ tài sản của họ.Ông nói: "Điều này chỉ có thể xảy ra khi thị trường rung chuyển hoặc đang trong thời kỳ suy thoái".
Theo dữ liệu từ Công ty dữ liệu lữ hành ForwardKeys, du lịch Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã vượt mức trước đại dịch trong những tháng mùa hè cao điểm là tháng 7 và tháng 8, với lượng khách quốc tế tăng lần lượt là 9% và 2%. So với mức trước năm 2019 (năm trước đại dịch), lượng đặt chỗ trước tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tăng lần lượt 20% và 5%, trong khi Bồ Đào Nha chỉ giảm 3%, Iceland chỉ giảm 7% và Tây Ban Nha giảm 15%.
Du lịch bằng đường hàng không trên khắp châu Âu đã giảm 26% so với năm 2019, nhưng triển vọng trong 3 tháng 10, 11 và 12 cho thấy lượng đặt vé máy bay chỉ giảm 21% so với tổng số trước đại dịch. “Sự phục hồi sau đại dịch vẫn tiếp tục bất chấp tình trạng hỗn loạn của ngành hàng không và việc giảm năng lực do thiếu nhân viên”, Chuyên gia Olivier Ponti của ForwardKeys nhận định. “Ngay bây giờ, việc đặt chỗ trước cho các chuyến du lịch giải trí cho thấy du lịch bằng đường hàng không tại châu Âu tiếp tục phục hồi, và đáng khích lệ là các lượt đặt phòng cũng đang trong xu thế này”.
Tại châu Âu, nhu cầu đi du lịch luôn cao và di chuyển bằng đường hàng không vẫn sẽ là lựa chọn số một của phần đông du khách trong các chuyến đi xa.
Các thành phố tại châu Âu ghi nhận hoạt động du lịch quốc tế tốt nhất bao gồm Istanbul, nơi có lượng chuyến bay tăng 2%, tiếp theo là Athens (chỉ giảm 7% so với trước đại dịch), Reykjavik (giảm 8%), Porto (giảm 8%) và Malaga (giảm 13%). Công ty dữ liệu lữ hành ForwardKeys báo cáo rằng, các điểm đến ở châu Âu đã có thể thu hút nhiều du khách hơn nếu ngành hàng không xử lý tốt hơn vấn đề nhân sự vào đợt cao điểm dịp cuối mùa xuân và đầu mùa hè vừa qua. Dữ liệu cho thấy rằng lượng đặt chỗ chuyến bay nội châu Âu sẽ cao hơn 5 điểm phần trăm nếu không có gián đoạn tại các sân bay.
Vào tháng 7, Pháp đã báo cáo rằng du khách từ Mỹ đã giúp ngành du lịch của đất nước gần như đạt mức trước đại dịch (năm 2019), bất chấp cuộc xung đột Nga và Ukraine. Dữ liệu cho thấy khách du lịch Mỹ chi trung bình 402 USD mỗi ngày khi ở Pháp và hầu hết chi tiêu hơn 760 USD mỗi ngày trong thời gian lưu trú 10 ngày thông thường. Một báo cáo về ngành du lịch của Italia hồi tháng 8 cũng cho biết, ước tính có khoảng 2,2 triệu người Mỹ dự kiến sẽ đến thăm Italia từ khi đó đến cuối năm và dự kiến sẽ chi 2,09 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2019. Lượng khách quốc tế từ Canada, Australia, Anh và Tây Ban Nha tới Italia cũng đã trở lại mức của năm 2019.
Mặc dù cổ phiếu của nhiều hãng hàng không đang chạm đáy, các chuyên gia tin vào triển vọng phục hồi của ngành, chỉ ra nhu cầu đi du lịch luôn cao và di chuyển bằng đường hàng không vẫn sẽ là lựa chọn số một của phần đông du khách trong các chuyến đi xa. Với những triển vọng tích cực trên, IATA cũng đưa ra dự báo, số du khách đến châu Âu trong năm 2022 sẽ phục hồi khoảng 86% so với lượng khách trong năm 2019 trước khi phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.