Theo đó, mới đây, tại báo cáo về tình hình triển khai các khu nhà ở xã hội gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết vừa qua Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô 668 ha ở các huyện ngoại thành.
Trong 9 khu nhà ở xã hội trên, 2 dự án có quy mô lớn nhất được đề xuất tại huyện Chương Mỹ, gồm dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Chúc Sơn có quy mô là 169 ha, với các tòa nhà cao 7 - 9 tầng, phục vụ dân số khoảng 13.500 người; và dự án tại xã Tân Tiến khoảng 127 ha cho quy mô dân 15.750 người.
Một số dự án khác tại xã Thạch Hòa (huyện Quốc Oai) khoảng 78 ha; tại quận Hà Đông khoảng 50 ha; tại xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) và xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) khoảng 105 ha; tại huyện Đan Phượng khoảng 22 ha; tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) khoảng 46,6 ha, là nơi trước đây đề xuất xây dựng NƠXH cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an; tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) khoảng 63 ha; tại TT.Quang Minh (huyện Mê Linh) khoảng 13 ha.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 9 khu đất trên có 2 khu đất tại huyện Gia Lâm và huyện Mê Linh với tổng quy mô nghiên cứu hơn 71 ha đất thuộc khu vực vành đai xanh, hành lang xanh, hạn chế dân số và chiều cao (1 - 3 tầng).
Cũng theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, thành phố có 5 dự án đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư với quy mô hơn 200 ha, khoảng 12.300 căn hộ. Bốn trong số này đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, nằm tại các khu vực như Đông Anh, Mê Linh và Gia Lâm.
Thời gian qua, Hà Nội đã liên tục có những động thái trong việc thúc đẩy công tác phát triển nhà ở xã hội khi vào đầu năm 2024, Hà Nội nằm trong danh sách những địa phương “chậm chân” trong cuộc đua phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, so với mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội mới chỉ phát triển được 1.700 căn, đáp ứng 9% mục tiêu.
Tại một cuộc họp vào cuối tháng 5, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở ngành phải cam kết khởi công ít nhất một dự án nhà ở xã hội trước ngày 1/10/2024.
“Mục tiêu cao nhất là xây dựng nhà ở xã hội với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất; khống chế lợi nhuận định mức bằng quy định của pháp luật để trước mắt, người thu nhập trên trung bình có thể mua được nhà”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.
Theo ông Thanh, nhà ở xã hội có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và người có hoàn cảnh khó khăn có được một căn nhà ổn định để sinh sống. Do vậy, các sở, ngành và cấp ủy chính quyền địa phương cần quyết tâm tháo gỡ sớm để có nhiều hơn những dự án nhà ở xã hội được triển khai trong thời gian tới.
Tính từ giai đoạn năm 2021 đến hết quý 1/2024, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong số đó có 75 dự án đã hoàn thành (quy mô 39.884 căn); 127 dự án đã khởi công xây dựng (114.984 căn) và 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (263.332 căn).
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh hoạt động của Tổ Công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản.
Về phía các địa phương cần nghiên cứu đề xuất giải pháp về rút gọn thủ tục pháp lý đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo lại chung cư. Đồng thời, vận dụng sáng tạo, kịp thời trong điều kiện địa phương cho các đối tượng tham gia được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng.
Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết không để tình trạng sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn.