Trả lời báo chí chiều 6/10, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã làm việc với CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (CAGICO) và các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn TP, qua đó các đơn vị đầu mối sẽ san sẻ khó khăn về nguồn cung với CAGICO.
Cụ thể, đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này cho biết sẽ nhận được 20 m3 xăng/ngày từ mỗi đơn vị như Petrolimex, Saigon Petro, cũng như một số lượng nguồn cung đáng kể từ miền Tây vào cuối tuần này.
Nhìn chung toàn địa bàn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc xác nhận thời gian qua có tình trạng một số cửa hàng tạm ngưng hết xăng hoặc dầu cục bộ, tức trong một ngày có vài giờ, do xăng chưa về kịp, nhưng sau đó được bổ sung trong ngày.
"Nhìn chung nguồn cung trên địa bàn tương đối ổn, nếu thiếu chỉ thiếu cục bộ, luôn được bổ sung kịp thời", vị Phó giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh.
Tính đến ngày 6/10, trên địa bàn TP.HCM có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, một thương nhân làm tổng đại lý, 29 đại lý bán lẻ.
Trong đó, hiện có 3 cửa hàng tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa, gồm cửa hàng ở TP Thủ Đức của Công ty TM Trương Đăng Khoa, cửa hàng ở quận Bình Tân ở Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ và cửa hàng ở quận Gò Vấp ở Công ty CP Công nghệ an toàn dầu khí Việt Nam.
Với trường hợp Công ty TNHH Petro Ramco trả giấy phép phân phối, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết các cây xăng trực thuộc đã chuyển quyền sở hữu và hoạt động bình thường.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Sở Công Thương sẽ luôn bám sát, theo dõi diễn biến cung ứng xăng dầu trên địa bàn, đồng thời phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và UBND các quận, huyện để kiểm tra, giám sát, cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung.
Mới đây, Sở cũng đã có văn bản tham mưu UBND TP.HCM gửi Bộ Công Thương, kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt theo đúng chu kỳ điều hành, kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết, và tính mức chiết khấu phù hợp và tính đầy đủ các chi phí trong cơ cấu giá bán xăng dầu.