Theo trang tin South China Morning Post, việc thúc đẩy thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư là một trong những cách mà Bắc Kinh đặt ra để giảm mức độ tiếp xúc với đồng USD, đồng thời ngăn Trung Quốc bị Washington bóp nghẹt tài chính.
Cụ thể, đồng tiền này đang được sử dụng nhiều hơn khi đầu tư tại các quốc gia thuộc dự án “Vành đai và Con đường”, cũng như được đẩy mạnh trong thương mại năng lượng với các nước Trung Đông và thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số.
"Phi USD hóa" diễn ra mạnh mẽ
Brazil - đối tác thương mại lớn thứ 10 kiêm nhà cung cấp quặng sắt chính cho Trung Quốc - mới đây đã chấp nhận các khoản thanh toán thương mại và đầu tư bằng đồng nhân dân tệ, sau một thỏa thuận được ký kết giữa ngân hàng trung ương hai nước vào tháng 2.
Đồng thời, ngân hàng thanh toán bù trừ của nước này sau đó sẽ được truy cập vào Hệ thống thanh toán xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc - tương đương với hệ thống tài chính quốc tế SWIFT.
Theo SCMP, tài sản ngoại hối bằng đồng tệ của Brazil đã đạt mức đỉnh mới 5,37% vào cuối năm 2022, vượt qua khối tài sản bằng đồng euro và chỉ đứng sau tài sản đồng USD.
Điều này đánh dấu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đồng nhân dân tệ kể từ khi nó được đưa vào nhóm dự trữ ngoại hối của Brazil. Trong khi đó, tài sản USD của nước này giảm dần từ mức 89,93% vào năm 2018 xuống còn 80,24% vào cuối năm 2022.
Tương tự Brazil, đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc là Nga cũng gia tăng đáng kể tỷ lệ nắm giữ đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối, sau khi bị loại khỏi hệ thống tài chính lấy đồng USD làm trung tâm kể từ sau xung đột quân sự tại Ukraine.
Hiện tại, hơn 2/3 các giao dịch thương mại song phương giữa 2 nước được thanh toán bằng nhân dân tệ hoặc đồng rup. Điều này cho thấy xu hướng dài hạn rằng vị thế quốc tế của đồng USD đang giảm dần và vị thế đồng nhân dân tệ sẽ tăng lên.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước khi tới đích do đồng nhân dân tệ hiện chỉ chiếm 2,19% thanh toán toàn cầu, 3,5% giao dịch ngoại hối, 2,69% dự trữ trung ương và 12,28% rổ tiền tệ.
Ngoài ra, việc mở rộng ảnh hưởng của đồng tệ vẫn bị hạn chế bởi nó ít có tính chuyển đổi hơn so với USD hoặc euro, và Trung Quốc thì đang áp đặt quá nhiều biện pháp kiểm soát để chống lại khủng hoảng tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng đồng nhân dân tệ sẽ còn nhiều cơ hội để cải thiện tình hình, vì Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 18% nền kinh tế toàn cầu.
Vị thế đồng nhân dân tệ tăng cao
Trong năm 2022, khoảng 7.920 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.150 tỷ USD) giá trị thương mại hàng hóa đã được thanh toán bằng đồng nội tệ của Trung Quốc - tăng 37,3% so với 2021. Đặc biệt, các khoản thanh toán bằng đồng tệ liên quan đến đầu tư trực tiếp cũng tăng 16,6% lên mức 6.760 tỷ (tương đương 982,6 tỷ USD) trong cùng năm.
Còn trong năm nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đang tích cực vận động hành lang để sử dụng đồng nhân dân tệ trong hoạt động thương mại dầu thô với các nước Trung Đông.
Theo SCMP, việc này đặt ra một thách thức lớn đối với hệ thống petrodollar (hệ thống thanh toán dầu bằng USD) vì những động thái của Trung Quốc đang nhận được phản ứng tích cực. Chính phủ Iraq mới đây đã thông báo sẽ chấp nhận thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ.
Hiện tại, Bắc Kinh còn muốn thúc đẩy nhiều giao dịch tài chính và thương mại bằng đồng nhân dân tệ hơn với các thành viên ASEAN - đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tháng trước đã thông báo đẩy nhanh việc thiết lập cơ sở hạ tầng tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán, chuyển khoản và đầu tư xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ.
Mới đây nhất, cơ quan này còn ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương - một cơ chế cung cấp thanh khoản cho đồng nhân dân tệ ở nước ngoài - với hơn 40 quốc gia hoặc khu vực, bao gồm 350 tỷ nhân dân tệ với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).