Với lịch sử du nhập từ hơn 100 năm trước, bia đã trở thành thức uống quen thuộc với cuộc sống người Việt Nam, thậm chí được một số địa phương coi là nét văn hóa. Nhìn trước được tiềm năng này, các nhà sản xuất trong lẫn ngoài nước nhanh chóng chớp lấy cơ hội, đẩy mạnh mở rộng quy mô sản xuất để chiếm lấy “miếng bánh béo bở”.
Tính đến nay, ngành bia chiếm gần 99% thị trường đồ uống có cồn. Trong đó, 4 ông lớn gồm Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Heineken và Carlsberg nắm giữ gần 95% thị phần.
Với hàng chục nhà máy trải dài khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, các nhà sản xuất đang cung cấp ra thị trường hàng tỷ lít bia mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người Việt.
Những viên gạch đầu tiên của ngành bia
Năm 1875, một người Pháp có tên Victor Larue đã xây dựng xưởng bia nhỏ tại Sài Gòn, đánh dấu một trong những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp tỷ USD tại Việt Nam.
Năm 1910, xưởng phát triển thành một nhà máy hoàn chỉnh chuyên sản xuất bia, nước ngọt, nước đá và được sáp nhập vào hệ thống hãng BGI của Pháp vào năm 1927.
Mãi đến năm 1977, Bộ Lương thực và Thực phẩm giao công ty Rượu Miền Nam tiếp nhận và quản lý toàn bộ nhà máy của hãng BGI, đặt nền móng cho sự ra đời của Nhà máy Bia Sài Gòn.
Sau thời gian dài phát triển và cơ cấu, Sabeco chính thức được thành lập vào năm 2003 dựa trên cơ sở Công ty Bia Sài Gòn và tiếp nhận các thành viên mới như Công ty Nước giải khát Chương Dương, Công ty Rượu Bình Tây…
Doanh nghiệp được cổ phần hóa vào năm 2008. Cùng năm này, Sabeco khánh thành nhà máy trực thuộc thứ 2 ở Củ Chi, cơ sở được đánh giá hiện đại bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Chỉ 2 năm sau, sản lượng tiêu thụ của Sabeco lần đầu tiên cán mốc 1 tỷ lít/năm.
Năm 2016, công ty niêm yết cổ phiếu SAB trên Sở Giao dịch TP.HCM (HoSE). Thời điểm đó, Sabeco đã vận hành 23 nhà máy sản xuất bia, phần lớn thuộc sở hữu của công ty con, công ty liên kết, với công suất tối đa 1,8 tỷ lít/năm và sản lượng tiêu thụ đạt 1,65 tỷ lít.
Xuyên suốt 9 năm kể từ 2010, sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco luôn tăng trưởng đều đặn. Phải đến khi Covid-19 xuất hiện, công ty mới chứng kiến chỉ tiêu này đi lùi.
Dù không công bố chi tiết mức độ thiệt hại, những số liệu kinh doanh kém sắc trong giai đoạn này cũng dễ dàng phản ánh những khó khăn mà nhà sản xuất bia hàng đầu Việt Nam đang phải đối mặt.
Tính đến năm 2023, Sabeco đã mở rộng quy mô lên 26 nhà máy rải rác khắp cả nước, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam như Bình Dương, Quy Nhơn, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu… Tổng công suất đáp ứng cũng đạt mức cao kỷ lục 2,4 tỷ lít/năm.
Hệ thống nhà máy của Habeco có khả năng cung cấp ra thị trường 800 triệu lít bia/năm. Ảnh: Nam Khánh.
Với Habeco, doanh nghiệp này tiền thân là Nhà máy Bia Hommel được thành lập vào năm 1890 dưới thời Pháp thuộc. Năm 2003, tổng công ty được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bia Hà Nội và thực hiện cổ phần hóa vào năm 2007.
Trái ngược với đối thủ cùng ngành, thị trường tiêu thụ của Habeco tương đối hạn chế khi hầu hết phục vụ khách hàng tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Với hệ sinh thái gồm 22 công ty con, công ty liên kết, liên doanh, Habeco đang vận hành khoảng 26 nhà máy sản xuất bia, trong đó bao gồm 2 nhà máy trực thuộc đặt tại Mê Linh và phố Hoàng Hoa Thám, có khả năng cung cấp ra thị trường hơn 800 triệu lít/năm.
Nhóm nước ngoài tìm cách bành trướng
Mới đây, Heineken Việt Nam đã thông báo tạm ngừng hoạt động nhà máy tại Quảng Nam trong bối cảnh thị trường bia Việt Nam sụt giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm một con số tính đến nay.
Trên thực tế, đây chỉ là nhà máy có công suất nhỏ nhất, tối đa chỉ khoảng 220 triệu lít/năm, trong 6 cơ cở tại Việt Nam. Ngoài Quảng Nam, Heineken còn có các nhà máy đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và Tiền Giang.
Heineken tiến vào thị trường Việt Nam vào năm 1991 thông qua hợp đồng liên doanh với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Đến năm 2007, tập đoàn đến từ Hà Lan rút hầu bao mua lại cùng lúc 3 nhà máy với tổng diện tích khoảng 22 ha.
Đến năm 2016, Heineken tiếp tục mua lại nhà máy bia Vũng Tàu từ Carlsberg. Trải qua một số dự án mở rộng, cơ sở sản xuất ở Vũng Tàu đã tăng công suất lên hơn 36 lần chỉ trong vòng 5 năm để trở thành nhà máy bia lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ tự động hóa cao và định hướng phát triển bền vững.
Heineken muốn rót thêm 540 triệu USD đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất bia tại Vũng Tàu. Ảnh: Heineken.
Đáng chú ý, sau khi có động thái đóng cửa nhà máy ở miền Trung, Heineken lại có kế hoạch rót gần 12.600 tỷ đồng, tương đương 540 triệu USD, để mở rộng cơ sở ở Vũng Tàu, qua đó nâng công suất thêm 500 triệu lít/năm lên 1,6 tỷ lít/năm. Tính riêng công suất mở rộng đã lớn gấp đôi quy mô của nhà máy vừa tạm đóng cửa.
Nhà máy Vũng Tàu cũng sở hữu dây chuyền đóng lon nhanh nhất trong tất cả các nhà máy của Heineken trên thế giới với tốc độ 130.000 lon/giờ, tương đương 12 triệu lon/ngày.
Ở thị trường miền Trung, kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 1993, Carlsberg vẫn là ông lớn nắm thị phần vững với thương hiệu bình dân bia Huda. Tại đây, Carlsberg sở hữu nhà máy bia lớn nhất miền Trung được đặt ở Huế, công suất lên đến 360 triệu lít/năm với tổng diện tích gần 11,7 ha.
Carlsberg là một trong những công ty đa quốc gia Đan Mạch đầu tiên tham gia đầu tư vào Việt Nam. Trong 20 năm đầu tiên, Carlsberg điều hành hoạt động tại Việt Nam thông qua Carlsberg Đông Dương.
Ngoài ra, ông lớn đến từ Đan Mạch còn là nhà đầu tư chiến lược tại Habeco và nắm giữ cổ phần thiểu số tại nhà máy bia Hạ Long, đơn vị đang quản lý và vận hành 2 nhà máy với tổng công suất 35 triệu lít/năm.
Bên cạnh 2 doanh nghiệp nước ngoài này, thị trường bia Việt Nam còn có sự cạnh tranh của một số thương hiệu tên tuổi khác như AB Inbev từ Bỉ hay Sapporo từ Nhật Bản.
AB Inbev, được biết đến với các sản phẩm bia cao cấp như Budweiser và Hoegaarden, đang sở hữu 2 nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP II-A (hoạt động từ năm 2015) và Khu công nghiệp Mỹ Phước (hoạt động từ năm 2016) với tổng công suất 100 triệu lít/năm.
Trong khi đó, nhà máy bia Sapporo Việt Nam nằm tại Khu công nghiệp Việt Hóa - Đức Hòa 3, Long An. Nhà máy này có công suất tối đa lên tới 150 triệu lít/năm nhưng đang hoạt động ở giai đoạn 1 với công suất thiết kế 40 triệu lít/năm.