Mới đây, Cục Thuế tỉnh Bắc Giang đã tổng hợp thông tin về các cuộc đấu giá đất trong 10 tháng đầu năm 2023. Theo đó, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 92 phiên đấu giá đất với tổng số 2.969 lô. Tổng số thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh đạt 3.870 tỷ đồng, bằng gần 65% kế hoạch năm.
Hàng loạt lô đất bị "bỏ cọc", không có người mua hồ sơ
Tuy nhiên, đã có 90 lô đất trúng đấu giá đến hạn nộp tiền sử dụng đất nhưng khách hàng bỏ cọc, với số tiền bỏ cọc gần 10 tỷ đồng trên tổng số tiền trúng đấu giá 90 lô là hơn 88,3 tỷ đồng.
Các lô bị bỏ cọc tập trung nhiều tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa. Cụ thể, theo Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang – Lục Nam, toàn huyện có 14 lô trúng đấu giá bị bỏ cọc với số tiền bỏ đặt cọc hơn 1,7 tỷ đồng. Số tiền trúng đấu giá của các lô đất này hơn 22 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 10 tỷ đồng.
Tại huyện Tân Yên, (Bắc Giang), đến nay đã có 64 lô đất đã quá hạn song người trúng đấu giá chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước, trên tổng số 513 lô trúng đấu giá. Số tiền bỏ cọc hơn 6,5 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu xảy ra chuyện bỏ cọc trong việc đấu giá đất ở Bắc Giang. Trước đó, trong hai năm (2020-2021), trên địa bàn tỉnh tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô, trong đó số lô đấu thành công là 7.720, số lô bỏ cọc là 1.471.
Tại tỉnh Quảng Bình, ngày 13/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã ra thông báo về việc giao 28 thửa đất tại TP. Đồng Hới không thông qua đấu giá, do không có người tham gia.
Lô thấp nhất có giá 1,2 tỷ đồng (diện tích 200 m2), lô cao nhất 7,2 tỷ đồng (diện tích 353 m2). Giá bình quân khởi điểm là 6 triệu đồng/m2 – 205 triệu đồng/m2. Những thửa đất này ở tại các xã, phường của TP. Đồng Hới gồm: Đức Ninh (5 lô), Đức Ninh Đông (2 lô), Bắc Nghĩa (1 lô) và Bắc Lý (20 lô).
Theo một môi giới bất động sản tại Quảng Bình, thời điểm này thị trường bất động sản trầm lắng nên việc tỉnh Quảng Bình áp giá khởi điểm đất ngang bằng với thời kỳ thị trường sôi động là quá cao. Trong khi đó, có nhiều lô đất của người dân bán cắt lỗ giá rẻ hơn nhiều so với việc mua của nhà nước bán.
Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh những cuộc đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra sôi động trong suốt các năm 2021 – 2022, tại tỉnh Hải Dương từ đầu năm 2023 đến nay, hàng chục cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đã được tổ chức nhưng tỷ lệ thành công rất thấp, thậm chí có những cuộc không có người mua hồ sơ.
Do hết thời "đầu cơ" "lướt giá"
Cụ thể, tháng 3/2023, UBND huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng hơn 1.530 m2 đất ở được chia thành 17 lô đất, với mức giá khởi điểm được phê duyệt dao động từ 40 - 46 triệu đồng/m2. Kết quả, phiên đấu giá chỉ đấu được 7/17 lô, với tỷ lệ đấu giá đạt gần 39%.
Từ ngày 18/8 - 08/9/2023, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương đã mở bán hồ sơ đấu giá đất ở đối với 88 lô đất thuộc điểm quy hoạch khu dân cư tại đường Tân Dân (phường Việt Hòa, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) với mức giá khởi điểm 24 triệu đồng/m2 nhưng không một khách hàng nào đến đăng ký, mua hồ sơ đấu giá.
Cũng trên địa bàn phường Việt Hòa, từ ngày 06/9 - 22/9/2023, 64 lô đất thuộc điểm quy hoạch khu dân cư phía Nam đường Việt Hòa, được tổ chức đấu giá đợt 2, lần 3 với mức giá khởi điểm từ 29,7 - 31 triệu đồng/m2 nhưng trông mỏi mắt mà không thấy khách hàng tới đăng ký, mua hồ sơ.
Đầu tháng 9/2023, UBND huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) thông báo đấu giá lần 2 cho 34 lô đất tại xã Phú Điền, với mức giá được điều chỉnh từ 11 triệu đồng/m2 xuống còn 9,5 triệu đồng/m2, nhưng không có khách đăng ký… Theo cán bộ địa chính xã Phú Điền, dù giá khởi điểm được điều chỉnh thấp xuống nhưng người dân địa phương cũng chỉ đến tìm hiểu thông tin rồi lại đi về, không hỏi gì đến việc mua hồ sơ đấu giá.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương, các thông tin đấu giá đất được các địa phương thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng người dân và giới đầu tư rất thờ ơ. Thậm chí, có những lô đất rất đẹp nhưng khi thông báo đấu giá chỉ nhận được lèo tèo vài hồ sơ, đến khi đấu giá, nhiều lô đất còn không có người đấu lại phải dừng lại.
Một lãnh đạo phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, cho biết việc tổ chức đấu giá không thành công không phải do người dân không quan tâm, mà có thể do ngân hàng giờ không giải ngân cho vay, người dân bỏ tiền ra mua để ở rất khó.
Giới chuyên gia cho rằng một trong số nguyên nhân khiến khách hàng bỏ cọc do thị trường bất động sản hạ nhiệt, giao dịch chuyển nhượng không còn sôi động. Cùng với đó, nhiều người tham gia đấu giá đất không có nhu cầu đất ở thực sự mà chỉ nhằm mục đích “lướt sóng” kiếm lời, hoặc để “thổi giá” những lô đất đã mua gần đó. Khi không bán nhanh được, họ chấp nhận bỏ tiền đặt cọc.
Thực tế tại nhiều tỉnh, thành thời gian gần đây việc đấu giá đất ế ẩm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thị trường bất động sản trầm lắng, kinh tế suy giảm, các giao dịch bất động sản bị "đóng băng".
Đồng thời, việc xây dựng giá khởi điểm của các lô đất cũng không sát thực tế, quá cao so với mặt bằng chung hiện nay. Việc đất ế ẩm không chỉ ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư công mà còn làm chậm tiến trình đô thị hóa ở các địa phương.