Lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết hiện tượng "co sập" được cho là nguyên nhân khiến tàu ngầm Titan bị phá hủy. Tình trạng này sẽ xảy ra khi tốc độ và áp lực lớn của nước biển ép nát vỏ tàu ở độ sâu lớn.
Xác tàu Titanic - đích đến ban đầu trong chuyến thám hiểm của tàu ngầm Titan - nằm ở độ sâu lên đến 3.800 m.
Trên mặt biển, áp suất khí quyển là vào khoảng 10,3 kg/cm2. Tại độ sâu của xác tàu Titanic, áp suất lớn gấp 400 lần trên mặt biển, ở mức gần 421 kg/cm2. Để so sánh, theo tạp chí Scientific American, lực cắn của một con cá mập trắng rơi vào khoảng 281,2 kg/cm2.
Nếu hiện tượng "co sập" xảy ra do vỏ tàu Titan có vấn đề, phương tiện này sẽ bị nước biển ép nát trong vòng một phần nghìn giây. Hành khách trên tàu sẽ thiệt mạng ngay lập tức trong kịch bản này.
Tàu Titan, được đóng bởi công ty du lịch thám hiểm OceanGate - có trụ sở ở thành phố Everett của bang Washington, có khả năng chịu được mức áp suất trên và từng thực hiện nhiều lần lặn xuống xác tàu Titanic.
Nhưng trong quá khứ, đã xuất hiện những lo ngại về mức độ an toàn của phương tiện này, nổi bật nhất là vụ kiện của cựu giám đốc hoạt động hải dương của OceanGate, David Lochridge. Ông Lochridge đã bị sa thải vào năm 2018 sau khi cảnh báo về độ an toàn của vỏ tàu "mang tính thử nghiệm" của Titan - vốn được làm từ sợi carbon.
Roderick Smith, một giáo sư kỹ thuật tại Đại học Hoàng gia ở thủ đô London, cho biết vụ tai nạn của tàu Titan nhiều khả năng xuất phát từ "sự cố đối với vỏ tàu chịu lực". Tuy nhiên, các mảnh vỡ của Titan cần được thu thập và phân tích để tìm ra nguyên nhân khiến con tàu bị ép nát.
Ngay cả khi việc này được thực hiện, công tác xác định nguyên nhân vụ tai nạn có thể là một thách thức lớn.
"Sức mạnh của vụ nổ khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn để tìm ra chuỗi các sự kiện dẫn đến vụ tai nạn", ông Smith nhận định.