Sau vài ngày diễn ra lễ trao hợp đồng gói thầu số 12: "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất" (gói thầu số 12) vào giữa tháng 8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thành công tác đấu thầu gói thầu này.
Cũng trong công văn này, ACV đưa ra lý giải việc Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông (gồm các đơn vị: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng UNICONS; Công ty cổ phần Xây dựng COTECCONS; Công ty cổ phần Xây dựng CENTRAL; Công ty cổ phần HAWEE Cơ điện; Công ty cổ phần Dịch vụ & Kỹ thuật Cơ điện lạnh REE; Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình) trượt thầu.
Nhiều điểm sơ sài, bất hợp lý kéo tụt điểm kỹ thuật
Trong công văn này, ACV cho biết thời điểm đóng thầu 09h00 ngày 30/5/2023, có 1 nhà thầu liên danh nhà thầu gói thầu số 12T3 dự án Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nộp hồ sơ dự thầu. Để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, ACV gia hạn 10 ngày nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Hết thời gian gia hạn thời điểm đóng thầu 09h00 ngày 9/6 có thêm 1 nhà thầu là "Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông" nộp hồ sơ dự thầu.
Quá trình đánh giá, trên cơ sở các hồ sơ dự thầu nộp ngày 9/6, bên mời thầu, tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu thực hiện đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật căn cứ đúng các tiêu chí, yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong hồ sơ mời thầu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ngày 9/8, ACV hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cho gói thầu và ban hành Quyết định số 3288/QĐ-TCTCHKVN ngày về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 12.
Sau đó, bên mời thầu gửi Văn bản số 3300/TCTCHKVN-BMT-PMUT3TIA ngày 10/8 về việc thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 12 đến tất cả các nhà thầu tham dự gói thầu, trong đó, nêu rõ nhà thầu trúng thầu và lý do các nhà thầu không trúng thầu đối với nhà thầu không được lựa chọn đến tất cả các nhà thầu tham dự.
Theo đó, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Nhà thầu Gói thầu số 12T3 Dự án Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (gồm Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP; Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP; Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng RICONS và Công ty TNHH xây dựng Lưu Nguyễn).
ACV cho biết, theo mục 3, Chương III của hồ sơ mời thầu về tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật quy định: “Sử dụng phương pháp chấm điểm đánh giá về mặt kỹ thuật với thang 1.000 điểm. Hồ sơ dự thầu được đánh giá là đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật khi có tổng số điểm đạt từ 80% tổng số điểm yêu cầu về mặt kỹ thuật trở lên và đạt yêu cầu”.
Tại thông báo số 3300, ACV cũng cho biết lý do nhà thầu không được lựa chọn là Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông do kết quả chấm điểm hồ sơ đề xuất kỹ thuật của liên danh chỉ đạt 729,38 điểm, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu về điểm kỹ thuật tại hồ sơ mời thầu.
Căn cứ các quy định nêu trên, Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông bị đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và không được lựa chọn.
Bên mời thầu cũng đưa ra một số nhận xét về lý do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà thầu không được lựa chọn, trong đó có nhiều lỗi khiến Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông mất nhiều điểm.
Cụ thể, ACV cho biết thứ nhất, về mức độ đáp ứng đối với các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng của vật tư, vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, máy móc, thiết bị.
Gối cầu, neo cáp dự ứng lực, nhựa đường, nhũ tương, mảng HDPE, vật liệu trám khe nhà thầu không nêu chủng loại chào thầu hoặc không chào thầu. Với hệ vách kính mặt dựng bao che, nhà thầu chỉ đề xuất vật liệu chính, không đưa ra chủng loại và cấu tạo kính hộp theo thiết kế và hồ sơ mời thầu. Trần thạch cao chỉ đề xuất phần trần phẳng, không đề xuất phần trần thả theo yêu cầu hồ sơ mời thầu....
Đối với hệ thống băng chuyền hành lý, Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông chào hệ thống sorter với thương hiệu Boldgate, không có tài liệu kỹ thuật để đánh giá.
Sau khi làm rõ hồ sơ dự thầu, nhà thầu này bổ sung thành hệ thống sorter của hãng Daifuku. Việc bổ sung này làm thay đổi bản chất không phù hợp với nguyên tắc làm rõ hồ sơ dự thầu, không thuyết minh sự phù hợp với phần mềm Icute theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu. Mặt khác, Liên danh đề xuất thời gian thiết kế hệ thống này vào đầu năm 2025, không phù hợp với yêu cầu và tiến độ chung của dự án...
"Đối với hệ thống cầu ống dẫn khách, Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông chào đầy đủ thiết bị chung nhưng nhà thầu lại dùng thuyết minh yêu cầu kỹ thuật và giải pháp kỹ thuật cho dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, không phù hợp với yêu cầu hồ sơ mời thầu", ACV nêu rõ.
Hệ thống thiết bị kiểm soát an ninh hàng không được nhà thầu chào thiết bị của hãng Leidos (trong đó có máy soi hành lý xách tay không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật). Tuy nhiên, trong thuyết minh kỹ thuật và lắp đặt, nhà thầu thuyết minh cho loại thiết bị của hãng Smith Detections, trình bày giải pháp không đúng yêu cầu của hồ sơ thiết kế, nhà ga T3 là nhà ga quốc nội, không thiết kế dây chuyền quốc tế và không có dây chuyền hải quan. Thời gian giao hàng là 100 tuần cũng không phù hợp với tiến độ của gói thầu.
Hồ sơ đề xuất kỹ thuật của Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông nêu dự án có nhiều vị trí thông tầng cao trên 30 m, mái canopy cao gần 40 m là không đúng thiết kế dẫn đến biện pháp đề xuất không phù hợp.
Bên cạnh đó, hồ sơ dự thầu cũng thiếu thuyết minh chi tiết giải pháp thi công đường tầng có 2 tầng, giải pháp thi công phần cầu rẽ nhánh, đặc biệt là giải pháp kết nối với cầu vượt tại dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa của TP.HCM thi công cùng thời gian.
Tổ chuyên gia cũng đánh giá giải pháp thi công nền đường giao thông và sân đỗ máy bay không đúng tiêu chuẩn, lu lèn lớp kết cấu dày 30 cm và 50 cm là không đảm bảo kỹ thuật và chất lượng.
"Giải pháp thi công, lắp đặt hệ thống máy soi không đúng thiết kế, thuyết minh nhầm cho dự án nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, không phù hợp với yêu cầu tại hồ sơ mời thầu gói thầu số 12", ACV nêu quan điểm.
Thứ ba, về biện pháp tổ chức thi công, liên danh thuyết minh mặt bằng công trình, ranh giới công trường, đường tiếp cận ra vào tạm thời quanh công trường; văn phòng công trường, kho bãi tập kết vật tư, vật liệu, chất thải và trang thiết bị phục vụ thi công: thuyết minh sơ sài, thiếu bản vẽ, không thống nhất giữa bản vẽ tổng thể và bản vẽ chi tiết, không thống nhất giữa bản vẽ và thuyết minh, bố trí khu vực phụ trợ, văn phòng, kho bãi công trường lên khu đất trụ sở của Sư đoàn 370 là không khả thi, bất hợp lý.
Cùng với đó, giải pháp giao thông tiếp cận ngoài công trường chưa hợp lý và không khả thi, nhà thầu bố trí đường tiếp cận và công cộng trường trùng với mặt bằng thi công của dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa của thành phố thi công cùng thời gian là không khả thi.
Thứ tư, về thời gian và chính sách bảo hành, ACV ghi nhận việc Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông cam kết thời gian bảo hành theo đúng hồ sơ mời thầu, tuy nhiên ngân sách của nhà sản xuất đề xuất thời gian bảo hành ngắn hơn, đơn cử như hệ thống lồng dẫn khách.
Kiến nghị trái ngược của các thành viên trong liên danh
Cũng theo ACV, cùng lúc, ACV nhận được 3 kiến nghị của 3 thành viên trong Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông có nội dung trái ngược nhau.
Tuy nhiên, với tinh thần hợp tác, cầu thị, ACV có văn bản số 3441/TCTCHKVN-PMUT3TIA ngày 17/8/2023 về việc trả lời kiến nghị của nhà thầu tại Văn bản số 330/2023/CV-UN ngày 11/8/2023 theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu.
Cụ thể, ngày 12/8, ACV nhận được Văn bản số 330/2023/CV-UN ngày 11/8/2023 ký bởi Công ty TNHH Đầu tư xây dựng UNICONS - thành viên đứng đầu Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Tiếp đó, ngày 14/8, ACV nhận được văn bản số 5757/REEME23 của Công ty cổ phần Dịch vụ và kỹ thuật cơ điện lạnh R.E.E (nhà thầu thành viên của Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông), trong đó khẳng định: "Nhà thầu REE M&E luôn tôn trọng thủ tục, quy trình xem xét đánh giá và chấm thầu của bên mời thầu, tôn trọng và tuân thủ theo kết quả lựa chọn nhà thầu theo công bố thông tin của bên mời thầu, không tham gia kiện tụng, khiếu nại về kết quả lựa chọn này".
Cũng trong ngày 14/8, Công ty cổ phần HAWEE Cơ điện cũng gửi đến văn bản đến ACV để xác nhận: "Với tư cách là một doanh nghiệp độc lập tham gia vào Liên danh dự thầu, chúng tôi chấp thuận và không có bất cứ kiến nghị gì về kết quả xét thầu của gói thầu mà chủ đầu tư đã công bố".
Trước đó, ngày 24/7, Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông gửi đơn phúc khảo hồ sơ dự thầu gói thầu số 12.
Thực hiện quy định tại mục b, Khoản 1, Điều 92 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, ngày 1/8/2023 ACV đã có văn bản số 3150/TCTCHKVN-PMUT3TIA về việc trả lời văn bản ngày 24/7/2023 của Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông đảm bảo đúng quy trình giải quyết kiến nghị trong 7 ngày làm việc.
Thế nhưng, ngày 31/7, dù chưa quá 7 ngày làm việc theo quy định của Luật Đấu thầu, Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông tiếp tục có văn bản kiến nghị số 01/T3TSN/HNVĐ/ĐKN kiến nghị lên các cơ quan nhà nước về việc chủ đầu tư không phản hồi thông tin kiến nghị của nhà thầu.
"Điều này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà thầu, chủ đầu tư và các bên liên quan", ACV nêu quan điểm.
Ngày 14/8, ACV tổ chức lễ trao hợp đồng gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 thuộc dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho Liên danh Tổng công ty cổ phần Xây dựng Hà Nội - Tổng công ty cổ phần Xây dựng số 1 - Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng RICONS - Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn với giá trúng thầu 9.034,126 tỷ đồng. Tiến độ thi công của gói thầu này là 600 ngày, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Theo kế hoạch, ACV sẽ khởi công gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong tháng 8.