Bà Hà Minh Trang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị điện Việt Nam VNE cho biết VNE đã có sự thay đổi đáng kể sau khi xây dựng lộ trình chuyển đổi số.
“Chúng tôi nhận thức được từng bước triển khai giúp việc quản trị trở nên bài bản để giải quyết một số bài toán, vấn đề ngắn hạn trong việc theo dõi các hoạt động sản xuất, giao tiếp giữa các bộ phận và từng bước tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh”, bà Trang cho biết.
Nhờ đó, từ chỗ việc quản trị vận hành, lập kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp đang ở quy trình cơ bản, thậm chí là chưa có quy chuẩn rõ ràng, chưa có công cụ để theo dõi, đánh giá… đã được “nâng cấp”, tự động hóa và giảm bớt sự phụ thuộc vào yếu tố con người; từ đó, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và gia tăng dòng tiền cho doanh nghiệp
Cũng giống như VNE, lộ trình chuyển đổi số cũng đã giúp Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Phát nâng cao tính kết nối và chia sẻ dữ liệu xuyên suốt các phòng ban và nhà máy. Thông qua việc rà soát và chuẩn hóa lại quy trình quản trị và sản xuất kinh doanh, Vĩnh Phát từng bước cải thiện năng lực phân tích và ra quyết định, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển thêm khách hàng ở những thị trường lớn khác.
Sau khi công bố, Chương trình đã có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Từ những doanh nghiệp đăng ký, Chương trình đã sàng lọc ra 50 doanh nghiệp trên toàn quốc để khảo sát, đánh giá chuyên sâu, từ đó xây dựng lộ trình và chiến lược chuyển đổi số phù hợp.
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngoài 2 doanh nghiệp trên, quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp tham gia Chương trình Gói hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cũng ghi nhận kết quả tích cực.
Qua khoảng thời gian khảo sát, tư vấn xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, chuyên gia của chương trình nhận định các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp một số hiện trạng như quy trình sản xuất, kinh doanh chưa hoàn thiện; kiến trúc công nghệ hạn chế; hoặc đầu tư xưởng mới,…
Theo đó, các báo cáo của chuyên gia đã giúp doanh nghiệp xây dựng lại quy trình thông qua lộ trình áp dụng công nghệ số; gợi ý và tìm ra một số nhà cung cấp giải pháp phù hợp trong việc giải quyết vấn đề của doanh nghiệp giúp tối ưu hóa nâng cao năng lực sản xuất và để mở rộng hoạt động kinh doanh. Từ đó, hệ thống quản lý và kế hoạch sản xuất được chuẩn hóa.
Ngoài việc nhận được hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp tham gia Chương trình cũng được hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi; tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; kết nối với đội ngũ tư vấn độc lập, chuyên nghiệp và hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông.
Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp, kết quả khảo sát 1000 doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát ĐANG tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều (năm 2021, nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số). Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện chuyển đổi số một cách rõ ràng ngay từ đầu, khiến chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi ở nhiều doanh nghiệp.
Vì vậy, việc triển khai Gói xây dựng lộ trình Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số một cách bài bản.