Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 403 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 201 tỷ USD.
Nông sản của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu thô.
Vẫn chủ yếu là xuất thô
Xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Cụ thể, kết quả xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, tại tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản”, do báo Hải quan tổ chức ngày 26/7/2022, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho rằng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Đó là lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng của chiến sự Nga-Ukraine... khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành xuất khẩu hàng hóa.
Tình trạng mặt hàng nông, thủy sản ùn tắc tại một số cửa khẩu phía Bắc trong thời gian qua cũng làm giảm hiệu suất của ngành. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, biến động thị trường trong xu thế tiêu dùng mới của thế giới đặt ra nhiều thách thức cho xuất khẩu.
Đó là những yếu tố khách quan, còn yếu tố chủ quan, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu xuất thô, do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản. Vì thế không thể xuất khẩu nông sản với số lượng lớn, không có khả năng tiếp cận sâu vào thị trường nội địa các nước phát triển với khách hàng tiềm năng, có thu nhập cao và nhu cầu tiêu dùng lớn. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu vì thế gặp những khó khăn nhất định.
Doanh nghiệp cần xây thương hiệu sản phẩm
Theo ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển nông sản vùng I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông, lâm, thủy sản.
Hiện cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp có cơ sở chế biến sâu. Lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam là rất lớn, công suất nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt vào mùa vụ hay bị ứ đọng, máy chạy không kịp.
Do đó, ông Tú khuyến nghị doanh nghiệp cần chú trọng tập trung sản xuất sản phẩm có chất lượng. Đặc biệt, đầu tư đích đáng cơ sở chế biến, kho bãi bảo quản nông, thủy sản. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tập trung ưu tiên chú trọng xây dựng phát triển thương hiệu, tránh tình trạng bị gian lận thương mại.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần nghiên cứu tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản.
Còn theo bà Bùi Hoàng Yến, Tổ phó Tổ Công tác phía Nam, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp đặc biệt lưu ý các giải pháp để tận dụng lợi thế các EVFTA mang lại. Cần chủ động tìm hiểu thông tin để nắm vững cam kết của EU, thông tin về ưu đãi thuế quan.
Theo bà Yến cần tăng cường liên kết khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với sản xuất sản phẩm cuối, giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp trong nước với FDI; Áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, môi trường.
Trên góc độ cơ quan Hải quan, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý, Tổng cục Hải quan, khuyến nghị đối với các doanh nghiệp cần lưu ý nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải thực hiện các hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế. Các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai.
Việc nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường khó tính, kết hợp đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào các đối tượng khách hàng, thị trường truyền thống cũng được rất nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm mang ra mổ xẻ.
Cuối cùng, với các thủ tục hành chính, doanh nghiệp cần hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu gây ùn tắc, thêm chi phí.