Nội dung chính:
- Hòa Bình lãi 109 tỷ đồng sau thuế trong quý IV/2023, trong khi cùng kỳ 2022 công ty lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.
- Công ty đã hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi 310 tỷ đồng trong riêng quý IV sau nỗ lực thu hồi các khoản nợ.
- Chi phí phát sinh tại các công trình xây dựng, bao gồm lương cán bộ công nhân viên công ty, là 739 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm.
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với khoản lợi nhuận sau thuế 109 tỷ đồng. Cùng kỳ 2022, công ty lỗ tới 1.216 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, Hòa Bình vẫn lỗ 782 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế của công ty đến cuối năm 2023 lên tới 2.878 tỷ đồng.
Rốt ráo thu hồi công nợ
Kết quả kinh doanh khởi sắc của Hòa Bình trong quý IV vừa qua có hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, Hòa Bình đã bán hàng trên giá vốn, mang lại cho công ty khoản lãi gộp, dù nhỏ (53 tỷ đồng) trong khi cùng kỳ việc bán hàng dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp tới 426 tỷ đồng.
Thứ hai, Hòa Bình đã hoàn nhập dự phòng hơn 300 tỷ đồng trong riêng quý IV/2023. Hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu khó đòi là việc ghi nhận doanh thu khi một khoản nợ được thu hồi thành công, mặc dù trước đó công ty đã trích lập dự phòng, như một khoản chi phí.
Hoàn nhập dự phòng 300 tỷ đồng là kết quả của nỗ lực thu hồi công nợ của Hòa Bình, vốn là điểm nghẽn trong tình hình tài chính của Hòa Bình cũng như các doanh nghiệp xây dựng nói chung.
Tính đến cuối năm 2023, Hòa Bình còn gần 5.000 tỷ đồng nợ phải thu khách hàng, giảm hơn 1.500 tỷ đồng sau một năm.
Nỗ lực thu hồi công nợ cũng giúp Hòa Bình có dòng tiền kinh doanh đạt gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2023. Với dòng tiền này, công ty đã trả bớt các khoản nợ vay, đưa số dư nợ vay về mức hơn 4.700 tỷ đồng, giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm.
Giảm nợ vay giúp Hòa Bình giảm bớt áp lực lãi vay trong tình hình lãi suất căng thẳng trong năm vừa qua.
Mặc dù vậy, tính chung cả năm 2023, chi phí lãi vay của Hòa Bình vẫn tăng hơn 30 tỷ đồng so với năm 2022, đạt 554 tỷ đồng.
Nghĩa vụ thanh toán vẫn căng thẳng
Giảm nợ vay là một thành tích đáng ghi nhận của Hòa Bình. Tuy nhiên, tình hình thanh toán các khoản phải trả, đặc biệt là các chi phí hoạt động tại Hòa Bình vẫn tương đối căng thẳng.
Tính đến cuối năm 2023, chi phí phát sinh tại các công trình xây dựng, bao gồm lương cán bộ công nhân viên công ty, là 739 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Trong khi đó, công ty vẫn còn nợ các khoản thuế trên 200 tỷ đồng vào cùng thời điểm.
ĐHĐCĐ bất thường của Hòa Bình hồi tháng 10/2023 đã thông qua kế hoạch phát hành thêm tối đa 274 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ (phát hành trực tiếp cho chủ nợ), thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn kinh doanh.
Nếu phát hành thành công và thu về số tiền như kế hoạch, các nghĩa vụ thanh toán của Hòa Bình sẽ dần được thực hiện, giúp công ty vận hành “êm ả” trở lại.
Tuy nhiên, việc phát hành với số lượng lớn cổ phiếu như vậy (92% lượng cổ phiếu đang lưu hành) cũng khiến tỷ lệ sở hữu của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT công ty giảm sút, từ mức 17% hiện tại xuống dưới mức 9%. Ngoài ra, khả năng các đối tác chiến lược mới của công ty sẽ cử người vào HĐQT Hòa Bình trong tương lai, khiến những quyết định của cơ quan này sẽ không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người sáng lập như trước đó.
Về mặt tích cực, các thành viên mới của HĐQT có thể sẽ góp sức giúp Hòa Bình chóng vượt qua những khó khăn hiện tại. Về mặt tiêu cực, quyền lực của ông Hải bị giảm sút trong chính doanh nghiệp mà ông sáng lập, có thể là nguồn cơn của những tranh chấp quyền lực trong tương lai.