Tháng 9/2021, Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập CTCP Điện máy gia dụng Hòa Phát có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Hoà Phát nắm 99,9% vốn với mục đích đầu tư lớn, bài bản vào ngành hàng điện máy gia dụng trên nền tảng thâm niên 20 năm phát triển ngành hàng điện lạnh.
Sau đó ít lâu, vào cuối tháng 11/2021, CTCP Điện máy gia dụng Hòa Phát đã khởi công xây dựng Trung tâm sản xuất hàng gia dụng đầu tiên tại Khu công nghiệp Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam. Trung tâm này sẽ có diện tích hơn 14 ha, chuyên sản xuất các sản phẩm bao gồm: máy làm mát không khí, máy lọc nước và máy lọc không khí. Công suất dự kiến khoảng 1 triệu sản phẩm/năm.
Ngoài ra, Công ty đã xây dựng Trung tâm sản xuất tại miền Nam đặt ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự kiến 2 trung tâm sản xuất tại hai miền sẽ bắt đầu hoạt động từ quí II/2022.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng nhà máy, sản phẩm điện máy gia dụng của Hòa Phát cũng chính thức xuất hiện tại các hệ thống siêu thị điện máy lớn trên cả nước như siêu thị Điện máy Xanh, Cao Phong (Siêu thị điện máy Chợ Lớn), điện máy HC, điện máy PICO. Cụ thể, từ đầu tháng 11/2021, tủ đông, tủ lạnh của Tập đoàn Hòa Phát đã được giới thiệu tại các gian hàng điện lạnh, gia dụng cũng như hệ thống website bán hàng trực tuyến của Điện máy Xanh và Cao Phong.
Với sự mở rộng kênh phân phối và những chiến lược phát triển về sản phẩm, marketing, nhân sự và bảo hành, Hoà Phát đặt mục tiêu doanh thu từ hoạt động sản xuất đồ gia dụng sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2030 và trở thành nhà sản xuất thiết bị cho gia đình lớn nhất Việt Nam.
Trước khi đẩy mạnh hoạt động hơn vào lĩnh vực điện máy gia dụng, Hoà Phát đã có 20 năm kinh nghiệm trong việc phát triển và sản xuất các dòng sản phẩm tủ lạnh, tủ mát, tủ đông, điều hòa mang thương hiệu Hòa Phát và Funiki, nhưng thị phần rất khiêm tốn trên thị trường. Do đó, những người quan tâm rất chờ đợi xem tỷ phú Trần Đình Long sẽ làm thế nào.
Trong mảng máy điều hoà nhiệt độ, thị phần của Funiki vẫn ở mức thấp so với các thương hiệu điều hoà trên thị trường đến từ các ông lớn như Daikin, LG, Panasonic, Toshiba, Sharp.
Số liệu của chúng tôi cho thấy, trong khi Hoà Phát duy trì doanh thu khoảng 1.000 tỷ/năm trong năm 2019 và 2020 thì doanh thu của Panasonic Việt Nam năm 2020 là 13.565 tỷ, của Daikin năm 2019 là 12.109 tỷ đồng, doanh số của Daikin tăng 4 năm liên tiếp và đã vượt 10.000 tỷ vào năm 2017.
Các doanh nghiệp điện máy gia dụng lớn nhất thị trường hiện tại cũng chưa từng đạt doanh thu 1 tỷ USD.
Ngoài ra, Casper Việt Nam cũng đang tăng trưởng rất nhanh trong 5 năm trở lại đây, giai đoạn 2016-2018 xuất phát điểm của Casper còn khá thấp so với điện lạnh Hoà Phát, tuy nhiên năm 2019 và 2020 công ty này bất ngờ bứt phá mạnh, doanh thu 2020 đạt 3.450 tỷ, gấp 3 lần Hoà Phát.
Mặc dù doanh thu giảm so với năm 2019, tuy nhiên điện lạnh Hoà Phát vẫn đạt 142 tỷ lợi nhuận sau thuế năm 2020 - tăng 34% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận ròng/ doanh thu tăng lên 13,35%.
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, quy mô thị trường điện máy gia dụng trong nước hiện khoảng 13 tỷ USD, tương đương 300 nghìn tỷ đồng. Ngành hàng này hiện đứng thứ 4 về quy mô tiêu dùng trong 11 nhóm ngành hàng chính, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn 10%/ năm. Điều này cho thấy dư địa phát triển các sản phẩm gia dụng, nhất là phân khúc cao cấp là rất lớn.
Hoà Phát đã cắt mảng nội thất vào đầu năm 2021 với giá bán gần 900 tỷ đồng và tập trung phát triển điện máy là một hướng đi mới.