Việc rà soát tổng thể các mỏ cát vật liệu này phải hoàn thành trong tháng 8/2022, nhằm tránh bị động nguồn cung vật liệu.
NGUỒN ĐẤT, CÁT VẬT LIỆU SAN LẤP VẪN THIẾU TRẦM TRỌNG
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra công tác cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng báo cáo Ban chỉ đạo, Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 8/2022. Trong trường hợp phát hiện có các sai phạm, thu hồi ngay giấy phép đồng thời đề xuất xử lý trách nhiệm theo quy định.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu các tỉnh Đồng Tháp, An Giang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể các mỏ cát trong khu vực để có kế hoạch nâng công suất các mỏ đang khai thác, bổ sung các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung cho các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông, tính đến nay gồm: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau), Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, An Hữu – Cao Lãnh và Mỹ An - Cao Lãnh.
Thống kê sơ bộ, các dự án này đang thiếu hàng chục triệu mét khối cát vật liệu san lấp, đắp nền; trong đó, riêng tuyến Cần Thơ – Cà Mau dự tính cần khoảng trên 15 triệu m3 cát san lấp, dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dự cần khoảng 18 triệu m3 cát san lấp… Song nguồn cung tại chỗ thì không đủ để bù đắp vào nhu cầu do sản lượng khai thác cát sông còn hạn chế.
Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các dự án về hạ tầng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cát dùng để san lấp, đắp nền đều từ nguồn cát sông được khai thác dọc hai chi lưu lớn của sông Mekong là sông Tiền và sông Hậu, chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp và tổng sản lượng các mỏ đang khai thác còn thấp so với tổng trữ lượng hiện có ở các mỏ.
Tại Sóc Trăng, tổng trữ lượng tài nguyên (cát, đất san lấp) được dự báo khoảng 85 triệu m3, trữ lượng được phép thăm dò, khai thác đến 2020 là 45,7 triệu m3, đã cấp phép khai thác là 7,9 triệu m3, chưa cấp phép là 37,78 triệu m3.
Tại Đồng Tháp, trữ lượng dự kiến còn lại là 32,8 triệu m3, khả năng khai thác theo giấy phép là 3,13 triệu m3/năm. Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Mỹ Thuận, cũng đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xem xét ưu tiên cung cấp khoảng 13 triệu m3 cát trong các năm 2023, 2024 từ các mỏ. Đồng thời, để kịp thời có trữ lượng cát cho các dự án, Ban Mỹ Thuận cũng đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần tăng công suất khai thác và triển khai các thủ tục để khai thác các mỏ mới đã có trong quy hoạch.
SAU CÁT BIỂN, CẦN TÍNH ĐẾN LƯỢNG TRO XỈ KHỔNG LỒ
Được biết, mới đây, trước tình hình khan hiếm cát sông trầm trọng, tỉnh Sóc Trăng với nguồn dự trữ cát biển đặc biệt dồi dào, có thể lên đến hàng tỷ mét khối, đã đề xuát thử nghiệm dùng cát biển để thay thế nguồn vật liệu cát sông nhằm phục vụ các dự án cao tốc trong khu vực.
Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư các dự án cao tốc này, cho bết đã đề nghị tỉnh Sóc Trăng cho phép đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát thăm dò, đánh giá lại trữ lượng đồng thời lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá chất lượng. Trước hết, Ban Mỹ Thuận đề nghị thử sẽ khai thác khoảng 3.000 m3 cát biển tại khu vực biển Sóc Trăng, vận chuyển về vị trí thi công thử nghiệm, đánh giá tiêu chuẩn trước khi báo cáo về Bộ Giao thông vận tải.
Đất, cát vật liệu phục vụ san lấp thi công các dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam đang là một vấn đề nan giải, gây cản trở đến tiến độ thi công và hoàn thành các dự án. Không riêng gì cát biển, nếu bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và môi trường, sẽ có thể được khai thác phục vụ san lấp; tuy nhiên, từ lâu nhiều chuyên gia đã khuyến cáo có thể dùng vật liệu khác ngoài cát, để san lấp các dự án, trong đó có vật liệu tro bay (tức tro xỉ nhiệt điện).
Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Địa phương đầu tiên ở phía Nam được đề xuất, khuyến khích sử dụng tro bay làm vật liệu san lấp là tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, ngày 10/8/2017, Bộ Xây dựng đã có công văn 1847/BXD-VLXD gửi Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau về việc sử dụng tro bay làm vật liệu san lấp mặt bằng. Theo đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.