Nội dung chính:
- Các mảng kinh doanh của HAGL, đặc biệt là trái cây và heo thịt tiếp tục mang lại lợi nhuận lớn, nhưng vẫn chưa đủ để trang trải chi phí tài chính.
- Công ty nợ Eximbank 279 tỷ đồng đến hạn trả cuối năm 2022.
- Nợ vay cuối năm 2022 của HAGL đạt gần 12.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 3.800 tỷ đồng lãi vay phải trả.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán HAG) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Doanh thu của HAGL đạt 5.111 tỷ đồng, gần gấp 2,5 lần kết quả đạt được năm 2021 của công ty. Đóng góp đáng kể nhất vào doanh thu của HAGL là từ Trái cây và Heo thịt, với tỷ trọng lần lượt 42% và 33%. Đây cũng là hai mảng mang lại biên lãi gộp cao nhất cho HAGL, lần lượt 30% và 25%.
“Bảo bối” tạo lợi nhuận của HAGL
Dù khởi sắc về doanh thu và lãi gộp (đạt 1.173 tỷ đồng) năm 2022, chi phí tài chính của công ty vẫn là một gánh nặng, lên tới 1.649 tỷ đồng, vượt xa lãi gộp đạt được trong kỳ. Chi phí tài chính của HAGL ngoài Chi phí lãi vay, còn các khoản Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn và Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Lợi nhuận năm 2022 của HAGL đạt 1.125 tỷ đồng sau thuế, bằng 9 lần kết quả đạt được năm 2021.
Với tình hình lãi gộp và chi phí tài chính như trên, lợi nhuận của HAGL phần lớn đến từ các khoản hoàn nhập dự phòng cho vay.
Năm 2022 khoản hoàn nhập dự phòng của HAGL lên tới 1.513 tỷ đồng, gần gấp đôi khoản hoàn nhập năm 2021. Về nguyên tắc, khoản hoàn nhập dự phòng được ghi nhận như các khoản doanh thu của doanh nghiệp, trực tiếp thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp.
Các khoản thu mà HAGL trích lập dự phòng chính hầu hết là các khoản phải thu từ các bên liên quan. Trong 1.810 tỷ đồng phải thu của HAGL, có 70% đến từ các bên liên quan, tương ứng 1.264 tỷ đồng.
Nặng gánh nợ vay
Các khoản nợ vay được ghi nhận của HAGL đã “dễ thở” hơn so với năm 2021, giảm nhẹ 1,4%. Tuy nhiên, nếu tính cả hơn 3.800 tỷ đồng lãi vay phải trả, nợ vay của HAGL vẫn nặng gánh với tổng lên tới gần 12.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2021.
So với tổng tài sản, nợ vay của HAGL chiếm đến 61%.
Báo cáo kiểm toán của HAGL dành tới 12 trang để thuyết minh chi tiết các khoản nợ vay - không tính khoản lãi vay.
Ngoài các khoản vay ngân hàng, HAGL có gần 5.740 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 2.058 tỷ đồng sẽ đến hạn trong năm nay. Trái phiếu được thế chấp bằng các tài sản của công ty cùng với 111,5 triệu cổ phiếu HAG của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và con gái Đoàn Hoàng Anh. Tính đến cuối năm 2022, tổng số lượng cổ phiếu HAG mà ông Đức và con gái nắm giữ gần 330 triệu đơn vị - tương đương hơn 36% vốn điều lệ công ty.
Báo cáo của HAGL cũng cho thấy tình hình khó khăn của HAGL trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tính đến cuối năm 2022, HAGL vẫn chưa thanh toán khoản vay đến hạn 279 tỷ đồng theo lịch thanh toán đã cam kết với Eximbank. Dư nợ của HAGL với Eximbank tại thời điểm này là 588 tỷ đồng.
HAGL cũng có khoản thanh toán gốc và lãi trái phiếu tới hạn vào cuối tháng 10/2022 với tổng số tiền 114 tỷ đồng. Đến đầu tháng 11/2022, công ty đã thanh toán phần gốc và lãi trái phiếu nêu trên cùng chi phí phạt chậm nộp gần 500 triệu đồng.
Trong văn bản giải trình, HAGL cho biết năm 2023 doanh thu từ bán trái cây và heo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và đem lại nguồn tiền chính cho công ty. HAGL cũng đã lập kế hoạch dòng tiền dự kiến sẽ đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác cùng những dự án đang triển khai. Đồng thời, HAGL đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay để điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan.