Nội dung chính:
- Lãi vay phải trả không ngừng tăng, tương đương 48% nợ vay của công ty.
- Tổng nợ gốc và lãi vay của Hoàng Anh Gia Lai đạt gần 12.800 tỷ đồng, tương đương 2/3 tổng tài sản công ty.
- Kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2022 của Hoàng Anh Gia Lai khả quan với sự khởi sắc của mảng trái cây và chăn nuôi cùng phương pháp hoàn nhập dự phòng hơn 1.250 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022. Công ty đạt lợi nhuận 814 tỷ đồng trước thuế trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng vượt trội so với khoản lỗ 194 tỷ đồng cùng kỳ 2021.
Lãi gộp từ hoạt động kinh doanh chính của Hoàng Anh Gia Lai mặc dù khả quan, đạt 746 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đủ để trang trải chi phí tài chính trong kỳ (1.228 tỷ đồng). Lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai không chỉ đến từ việc xuất khẩu trái cây và tiêu thụ thịt heo, mà còn nhờ vào khoản hoàn nhập dự phòng lên tới 1.250 tỷ đồng.
Hoàn nhập dự phòng là nghiệp vụ kế toán trong đó công ty giảm mức dự phòng rủi ro cho một khoản mục (ở đây là các khoản phải thu), qua đó ghi nhận một khoản thu nhập tương đương mức giảm đó. Về bản chất đây là việc đánh giá lại rủi ro và không thực sự mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp.
Lãi vay không ngừng tăng
Lãi vay phải trả của Hoàng Anh Gia Lai không ngừng tăng trong năm năm trở lại đây, chỉ giảm nhẹ duy nhất vào năm 2021.
Hoàng Anh Gia Lai đã nỗ lực không ngừng để thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng, các tổ chức và cá nhân. Từ mức gần 23.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017, đến cuối quý III/2022, khoản nợ vay của công ty chỉ còn hơn 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chủ yếu tập trung vào việc thanh toán các khoản nợ gốc, nhưng khoản lãi vay vẫn tích lũy và tăng dần theo thời gian.
Về mặt nguyên tắc, nếu chậm thanh toán các khoản nợ gốc, doanh nghiệp có thể phải chịu lãi phạt hoặc bị “siết nợ” bằng cách ép bán tài sản. Với lãi vay, doanh nghiệp gần như không phải chịu áp lực này, cũng không phải chịu áp lực “lãi mẹ đẻ lãi con”. Khi dòng tiền chưa thực sự dồi dào, việc ưu tiên thanh toán nợ gốc của Hoàng Anh Gia Lai là hoàn toàn hợp lý.
Tại thời điểm cuối quý III/2022, lãi vay phải trả của Hoàng Anh Gia Lai đã lên tới 4.166 tỷ đồng, tương đương 48% giá trị Nợ vay tại cùng thời điểm. Các khoản lãi vay đã được công ty hạch toán chi phí, nhưng chưa thanh toán cho chủ nợ, do đó vẫn còn số dư tại bảng cân đối kế toán.
Tương quan Chi phí lãi vay phải trả và Nợ vay của công ty tại từng thời điểm (đơn vị: Tỷ đồng)
Nợ gốc và lãi vay chiếm 2/3 giá trị tổng tài sản
Quy mô nợ của Hoàng Anh Gia Lai đã giảm đáng kể sau nhiều năm công ty tìm nhiều giải pháp, trong đó có việc bán bớt tài sản. Tuy nhiên, nợ vay vẫn đang là gánh nặng của Hoàng Anh Gia Lai trong thời gian tới. Lãi vay vẫn là chi phí lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai trong 9 tháng đầu năm 2022, lên tới 553 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý III/2022, tổng lãi vay phải trả và nợ gốc vay của Hoàng Anh Gia Lai đạt 12.790 tỷ đồng, tương đương 2/3 tổng tài sản công ty tại cùng thời điểm.
Giá trị Nợ và Lãi vay so với Tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai (đơn vị: Tỷ đồng)
So với giữa năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai đã giảm nợ gốc vay gần 400 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn hơn 600 tỷ đồng.
Công ty vẫn tăng vay nợ một số khoản khác, trong đó có việc vay một số tổ chức, cá nhân (không phải tổ chức tài chính) 310 tỷ đồng. Trong đó bà Bạch Nguyễn Phượng Uyên và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ M.I.S.C Bình Dương cho công ty vay lần lượt 105 tỷ đồng và 95 tỷ đồng. Hai cá nhân/tổ chức này không thuộc nhóm các cá nhân, tổ chức liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai.