Với hàng loạt trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bị đình chỉ và nhiều nhân lực trong ngành bị khởi tố hình sự, hoạt động đăng kiểm ôtô tại Việt Nam đang trải qua một "cú sốc".
Trong khi giới tài xế mong mỏi công tác đăng kiểm phải diễn ra nhanh chóng, thuận tiện hơn, những tác hại từ việc đăng kiểm phương tiện lỏng lẻo đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Mạng lưới đăng kiểm với 280 trung tâm
Tại Việt Nam, ôtô muốn lưu thông trên đường buộc phải trải qua dây chuyền kiểm định và được cấp giấy, nhãn đăng kiểm dán trên kính xe. Xe được đăng kiểm lần đầu thường có thời hạn dài và ngắn dần theo chu kỳ 18 tháng, 12 tháng, 6 tháng. Xe càng cũ thì thời hạn đăng kiểm càng ngắn.
Công việc chính của khâu đăng kiểm là kiểm tra khả năng vận hành ổn định của xe, các thiết bị đảm bảo an toàn (phanh, đèn...) và những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường (khí thải, tiếng ồn...).
Dịch vụ đăng kiểm ôtô ban đầu do Nhà nước cung ứng, sau đó mở ra cho doanh nghiệp tư nhân tham gia. Đây là loại hình kinh doanh đặc thù và có điều kiện, tương tự như kinh doanh dịch vụ công chứng.
Đơn vị quản lý Nhà nước về đăng kiểm xe cơ giới là Cục Đăng kiểm Việt Nam (trực thuộc Bộ GTVT) và sở GTVT các tỉnh thành. Theo cơ chế quản lý, lực lượng thanh tra của Cục Đăng kiểm và các sở GTVT có trách nhiệm giám sát và kiểm tra hoạt động của trung tâm kiểm định xe cơ giới.
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm, cả nước hiện có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới với 490 dây chuyền, trong đó 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp, 64 đơn vị thuộc các sở GTVT và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm.
Hà Nội là thành phố có nhiều trung tâm đăng kiểm nhất với 31 trung tâm, trong đó 6 đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm, 2 đơn vị thuộc Sở GTVT, còn lại là các doanh nghiệp. Xếp sau Hà Nội là TP.HCM với 19 trung tâm, Bình Dương 13 trung tâm, Thanh Hóa 9 trung tâm... Các địa phương nhỏ có khoảng 2-3 trung tâm.
Hoạt động đăng kiểm ôtô ra đời với mục tiêu cao nhất là hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông do phương tiện đã xuống cấp, quá thời hạn kiểm định hoặc cố tình thay đổi thiết kế gây mất an toàn.
Bên cạnh đó, nó cũng giúp ngăn chặn nhiều thiệt hại khác cho xã hội như việc xe độ còi gây tiếng ồn; độ đèn gây chói mắt; xả khói gây ô nhiễm không khí; độ tải trọng gây hư hỏng mặt đường...
Nảy sinh nhiều bất cập
Trao đổi với Zing, giám đốc một trung tâm đăng kiểm ôtô trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới bao gồm nhiều vị trí nhân lực, nhưng quan trọng nhất là trưởng dây chuyền - người đặt bút ký xác nhận xe đạt đăng kiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm.
Đây là điểm mấu chốt để các trung tâm đăng kiểm dù là tư nhân hay Nhà nước cũng đều phải khắt khe với các lỗi, thiếu sót của phương tiện. Điều khiến cơ sở đăng kiểm lo nhất là xe sau đăng kiểm gây ra tai nạn nghiêm trọng, CSGT sẽ kiểm tra giấy tờ đăng kiểm, lần ngược lại nơi đã cấp đăng kiểm xem có làm đúng hay không.
Sau vụ việc sai phạm tại nhiều trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm đã phải báo cáo với Bộ GTVT về công tác quản lý, giám sát hoạt động đăng kiểm cũng như những tồn tại, bất cập dẫn đến sai phạm.
Cụ thể, Cục Đăng kiểm đánh giá số lượng đơn vị đăng kiểm xe cơ giới gia tăng nhanh chóng, dẫn đến cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh để thu hút khách hàng; thậm chí một số đơn vị thực hiện sai tiêu chuẩn, bỏ nội dung kiểm tra, giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới...
Bên cạnh đó, đăng kiểm viên làm thuê tại đơn vị đăng kiểm tư nhân sẽ chịu ảnh hưởng, tác động của chủ đầu tư nên không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. Có trường hợp đăng kiểm viên không làm việc tại đơn vị nhưng chủ đầu tư vẫn khai báo và giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên để ký xác nhận kết quả kiểm tra.
"Để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa còn có nhiều hạn chế", Cục Đăng kiểm nhận định.
Về phía chủ xe, lái xe, Cục Đăng kiểm đánh giá còn tâm lý muốn đơn vị đăng kiểm bỏ qua lỗi về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện nên đã có các hành vi hối lộ, tặng quà, đồng lõa với tiêu cực để được bỏ qua.
Trong thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước về đăng kiểm cho biết sẽ đề xuất sửa đổi luật nhằm khắc phục sở hở, bất cập; loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhận diện từng khâu, từng vị trí công tác tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực để phòng ngừa, giám sát hoạt động kiểm định xe cơ giới.