Sụt giảm mạnh
Cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, cộng thêm áp lực lạm phát và nỗi lo suy thoái kinh tế đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động M&A trong quý II. Theo dữ liệu của Dealogic, giá trị của các thương vụ M&A đã công bố trong quý II vừa qua giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1 nghìn tỷ USD.
Trong đó hoạt động M&A tại Mỹ đã giảm 40% xuống còn 456 tỷ USD, trong khi hoạt động này tại châu Á - Thái Bình Dương giảm 10%. Châu Âu là khu vực duy nhất mà hoạt động M&A không bị ảnh hưởng. Thậm chí giá trị các thương vụ tại châu Âu còn tăng 6,5% trong quý vừa qua, chủ yếu nhờ các giao dịch của các quỹ đầu tư tư nhân, bao gồm cả thương vụ công ty mẹ của gia đình Benetton và quỹ Blackstone của Mỹ mua lại tập đoàn cơ sở hạ tầng Atlantia của Ý trị giá 58 tỷ euro (61 tỷ USD).
Thương vụ lớn nhất trong quý là vụ của Broadcom Inc chi 61 tỷ USD mua lại VMWare Inc tại Mỹ. Một số thương vụ đáng chú ý khác là đề xuất mua lại Twitter của Elon Musk với giá 44 tỷ USD và HDFC Bank - ngân hàng cho vay tư nhân lớn nhất Ấn Độ chi 40 tỷ USD để mua lại cổ đông lớn nhất của mình nhằm tạo ra một gã khổng lồ dịch vụ tài chính nhằm khai thác nhu cầu tín dụng ngày càng tăng.
“Các công ty đang quay lưng lại với M&A trong ngắn hạn vì họ tập trung hơn vào tác động tiêu cực làm suy giảm hoạt động kinh doanh của họ”, Alison Harding-Jones - Trưởng bộ phận M&A khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) của Citigroup cho biết.
Đáng chú ý là khối lượng giao dịch xuyên biên giới giảm 25,5% trong 6 tháng đầu năm. Giá thầu 16 tỷ USD của Philip Morris International cho Match - một đối thủ của Thụy Điển - là giao dịch xuyên biên giới đáng chú ý duy nhất trong quý vừa qua.
Cũng theo Dealogic, số tiền thu được từ việc niêm yết toàn cầu đã giảm 84% xuống 33 tỷ USD trong quý II, với chỉ 274 công ty cố gắng huy động vốn thông qua phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), so với 852 công ty của cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng vẫn mờ mịt
“Chúng tôi lo lắng về nửa cuối năm nay nhưng các giao dịch vẫn đang diễn ra”, Mark Shafir - Đồng trưởng bộ phận M&A toàn cầu tại Citigroup cho biết. Với việc thị trường chứng khoán đang đối mặt với tình trạng hỗn loạn dai dẳng, các công ty tỏ ra thận trọng với hoạt động M&A.
“Chúng tôi thấy, khó có thể có một số lượng lớn các thương vụ được thực hiện trong vài quý tới. Khó có thể thực hiện M&A khi các công ty đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 52 tuần”, Marc Cooper - Giám đốc điều hành công ty tư vấn Solomon Partners của Mỹ cho biết.
“Khi bạn nghĩ về tâm lý của các giám đốc điều hành và mức độ tự tin của họ để thực hiện một bước nhảy vọt xuyên biên giới, bạn cần tính đến mức độ không chắc chắn trên thế giới”, Andre Kelleners - Trưởng bộ phận M&A khu vực EMEA của Goldman Sachs Group cho biết.
Bên cạnh bất ổn địa chính trị, chi phí cho hoạt động M&A cũng tăng cao khi các NHTW đang tăng nhanh lãi suất để chống lạm phát. Bên cạnh đó việc thỏa thuận về giá trị các thương vụ cũng gặp nhiều khó khăn khi mà thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh. “Sự biến động của thị trường chứng khoán là một cơn gió ngược lớn đối với chiến lược M&A. Khi thị trường chứng khoán biến động, thật khó để có những cuộc trò chuyện về giá trị và khó sử dụng chứng khoán làm tiền tệ”, Damien Zoubek - Đồng giám đốc bộ phận M&A tại Freshfields Bruckhaus Deringer cho biết.
Tại châu Âu, giá trị của đồng euro và đồng bảng Anh giảm mạnh cũng khiến cho việc định giá gặp nhiều khó khăn. “Có rất nhiều công việc sàng lọc đang được tiến hành đối với các công ty niêm yết đối với cả giao dịch mua bán tư nhân và mua lại cổ phần trong các công ty đại chúng. Nhưng nếu không có sự điều chỉnh về giá, hoạt động sẽ không thể tiếp tục”.
Chưa hết, theo Umberto Giacometti - Đồng giám đốc nhóm bảo trợ tài chính khu vực EMEA của Nomura, quy mô trung bình của các thương vụ M&A cũng sẽ bị thu hẹp khi các ngân hàng siết chặt tín dụng.
Mặc dù kỳ vọng các giao dịch xuyên biên giới giữa Mỹ và châu Âu cuối cùng sẽ tăng lên nhờ đồng USD mạnh và khoảng cách định giá giữa các công ty Mỹ và châu Âu ngày càng mở rộng, song giới chuyên môn vẫn cho rằng, triển vọng M&A vẫn khá mịt mờ khi sự thận trọng vẫn đang chiếm ưu thế, nhất là các giao dịch xuyên biên giới. “Khách hàng ngày càng hướng nội hơn là hướng ngoại”, Harding-Jones của Citigroup cho biết.