Từ năm 1992 đã có quy định tất cả du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé, song lâu nay công tác quản lý chưa chặt chẽ. Theo kế hoạch mới, từ ngày 15/5 mọi du khách phải mua vé khi vào tham quan phố cổ Hội An, kể cả khách đi dạo phố và ăn uống. Quy định này hiện gây tranh cãi.
Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Việt Đà (Viet Da Travel) ủng hộ việc mua vé tham quan phố cổ Hội An và cho rằng việc này nhằm đảm bảo lợi ích của khách du lịch.
Nên linh động trong việc bán vé
Theo ông, việc Hội An ban hành phương án khách mua vé đã có sẵn từ trước. Từ trước đến nay, khách mua tour là giá vé đã gồm trong combo tour nên thông báo mới về việc mua vé không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lữ hành.
Về giá vé, vị này cho biết so với các địa điểm du lịch trong nước khác, mức giá này không hề đắt. Tại Huế, tham quan đại nội có giá 200.000 đồng/vé, các lăng tẩm có có giá 150.000 đồng/vé.
“Hội An là một quần thể rộng, việc bán vé để phục vụ bảo tồn là hợp lý. Mức giá 80.000 đồng/vé đối với khách nội địa là không cao và 120.000 đồng/vé với khách nước ngoài là quá rẻ. Mức giá này chỉ tương đương khoảng 5 USD”, ông nhận định.
Theo vị này, vấn đề nằm ở dù chỗ siết chặt việc bán vé, thành phố cần đưa phương án linh động, không nên cứng nhắc. Mục tiêu của việc mua vé là đảm bảo tính công bằng.
Trước đó, phần lớn chính quyền địa phương chỉ thu vé của khách đoàn, nhiều khách lẻ vẫn vào tham quan mà không phải mua vé. Hơn nữa, một số công ty lại trốn mua vé, khiến các công ty làm đúng luật cảm thấy bất công.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng nhiều người chỉ muốn vào Hội An ăn bát mì, uống cốc cà phê mà phải chịu thu phí đồng giá 80.000 đồng/vé là bất hợp lý. “Ví dụ khách mua vé vào Hội An ăn tối, sáng hôm sau muốn vào tham quan di tích lại phải mua thêm vé thì không hợp lý. Thành phố cũng nên đưa ra các gói vé ra vào nhiều lần, có giới hạn thời gian sử dụng”, ông Lộc nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Khoa - Giám đốc công ty Jack Tran Tours, cho biết việc mua vé là vấn đề hợp lý. Du khách cần chịu trách nhiệm đối với điểm đến, nhằm duy trì bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, chính quyền cần tính toán, xử lý hài hòa và phương án tối ưu với những du khách không có nhu cầu tham quan các di tích.
“Khi đến Hội An tham quan cần mua vé, nhưng lúc đó vào tham quan, có việc ra ngoài, sau đó muốn quay lại tham quan tiếp. Bộ máy quản lý địa phương cần phải xác nhận là ông đó đã đến mua vé và không cần mua lại, vì nếu phải mua lại thì nó lại thành câu chuyện phi lý”, ông Khoa chia sẻ.
Theo vị này, cách quản lý thu vé hiện nay còn truyền thống, cần nhiều nhân lực, không đảm bảo việc kiểm soát. Ông Khoa đề xuất: "Chính quyền nên quản lý dữ liệu khách hàng bằng công nghệ hiện đại như xây dựng số hóa vé tham quan tích hợp nhận diện khuôn mặt hoặc quét mã QR".
Ngoài câu chuyện bảo tồn, Hội An cũng cần tăng cường các trải nghiệm, tiện ích nhằm nâng cao giá trị địa điểm du lịch.
Thu phí để bảo tồn là hợp lý
PGS.TS Phạm Hồng Long, Giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định đô thị Hội An là một di sản thế giới, việc thu phí đã có từ lâu và hoàn toàn hợp lý. Đồng thời, ông Long nhấn mạnh những gì Hội An đã có hiện nay là đủ để gìn giữ. Việc thêm các dịch vụ, chương trình là không cần thiết, chỉ làm biến dạng di sản này.
Lượng khách du lịch đến nhiều hơn, rác thải gia tăng khiến vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, vệ sinh, vấn đề an toàn khác gây sức ép đến vùng di sản. UNESCO luôn khuyến cáo các điểm đến phải phát huy tính bền vững, khuyến cáo các điểm đến phải đo lường sức tải, đón lượng khách vừa phải, nhằm đảm bảo giá trị tăng trưởng.
“Một số du khách đến và nghĩ đây là của chung. Họ cũng phải nghĩ lại là cần có trách nhiệm với những giá trị di sản. Di sản không có nhiều, ở Việt Nam có 8 di sản vật thể. Việc gìn giữ cho muôn đời sau là rất quan trọng”, ông Long nhận định.
Theo vị này, cách bảo tồn tốt nhất là cần nguồn thu tài chính để duy trì. Mức giá 120.000 đồng/vé (5 USD) đối với khách nước ngoài là thấp. Trên thế giới, các điểm đến khác cũng áp dụng thu phí. Tại Myanmar, thành phố cổ Bagan thu 25 USD/vé. Ở Trung Quốc, Phượng Hoàng cổ trấn thu phí 36 USD/vé.
Ông Long nhận định có 2 đối tượng chính phản ứng mạnh sau thông báo mới là từ phía cư dân sống, kinh doanh tại Hội An và khách du lịch tự túc chỉ muốn vào trải nghiệm không gian, ẩm thực mà không có nhu cầu tham quan di tích. Việc những người làm dịch vụ tại Hội An không đồng tình là tư duy cá nhân, không tính đến bối cảnh chung. Nếu địa danh được gìn giữ, sẽ phát huy tốt hơn, tên tuổi của đô thị, giá trị di sản mang tính bền vững hơn. Từ đó, ngoài bản thân họ, con cháu đời sau cũng được hưởng quyền lợi.
"Đến Hội An trải nghiệm không gian hay ẩm thực, du khách cũng cần chấp nhận chi trả phí bảo tồn di sản. Việc ăn uống cũng vẫn xả thải, họ dùng dịch vụ làm ảnh hưởng khu đô thị mang tính chất di sản như cơ sở vật chất cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thể cân nhắc, nghiên cứu các phương án linh hoạt giá vé. Bên cạnh mức phí vé như hiện tại, có thể đa dạng các loại vé, mức phí thấp hơn cho đối tượng không vào di tích", chuyên gia này bổ sung.
Về việc áp dụng công nghệ vào vấn đề kiểm soát đối tượng mua vé, ông Long cho biết chuyển đổi số là xu thế, tuy nhiên kinh phí để thực hiện khá cao và có thể gặp trục trặc kỹ thuật. Nếu muốn áp dụng, cần thử nghiệm trước một thời gian.