“Mình cũng từng dùng loại này, trời ơi cái mặt bị sạm đen luôn”.
Lướt mạng xã hội bắt gặp video “bóc phốt” một loại kem chống nắng gia công có chất lượng kém, Tú Trinh (sinh năm 1999, Đồng Tháp) để lại bình luận than thở, đồng thời cảnh báo những người khác đừng sử dụng.
Hồi tháng 2, Trinh mua trọn bộ kem chống nắng và kem dưỡng của hãng này sau khi xem clip giới thiệu của một TikToker, KOL có tiếng, với lời quảng cáo “làm trắng, mướt da, ngăn ngừa nám, tàn nhang và bảo vệ da khỏi ánh nắng”. Tuy nhiên chỉ sau khoảng 2 tuần sử dụng, cô nhận thấy da không những không cải thiện mà ngày càng sạm đen, đến mức nhiều người xung quanh cũng nhận thấy và góp ý.
“Tôi rất thất vọng. Khi nhắn tin cho TikToker giới thiệu sản phẩm đó, người này trả lời lấp liếm, nói rằng sắp tới giờ livestream nên sẽ phản hồi sau. Đến giờ là hơn 2 tháng, tôi vẫn chưa nhận được ‘phản hồi’ đó. Nói chung là ‘chê’”, Trinh kể với Tri Thức - Znews.
Không chỉ Tú Trinh, mua sắm theo lời quảng cáo của những người có ảnh hưởng trên mạng đã trở thành thói quen của nhiều người dùng mạng. Tuy nhiên, giữa “ma trận” sản phẩm và cả tên tuổi của các KOL, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để lựa chọn được những sản phẩm chất lượng.
“Cảm giác như bị lừa”
Sự bùng nổ của thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội khiến việc mua hàng online đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nổi lên theo đó là những KOL (chuyên gia có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng chuyên đánh giá sản phẩm) và KOS (người dẫn dắt bán hàng), góp phần không nhỏ vào quyết định “xuống tiền” của người tiêu dùng.
Một báo cáo về xu hướng Influencer Marketing ở Việt Nam năm 2023 của INSG cho thấy có tới 77% khách online mua một món hàng sau khi xem nội dung được tài trợ bởi một Influencer, cho thấy mức độ tin tưởng và phổ biến của người tiêu dùng dành cho nhóm này.
Nhiều người dùng mạng Việt Nam đang mua hàng online theo các KOL, KOC. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Cũng theo khảo sát này, khách mua online ở Việt Nam hiện có xu hướng tham khảo các bài review, đánh giá từ KOL, KOC trước khi quyết định có mua sản phẩm đó hay không.
Hà Thị Thêu (quận Tân Bình, TP.HCM) nhận xét các KOL, KOC rất biết cách khiến người xem bị cuốn theo nội dung review, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm được họ giới thiệu.
Hai chiếc lược Hà mua nhanh chóng bị bung đầu bọc, không thể tiếp tục sử dụng.
“Có lần, tôi mua một chiếc máy hút bụi mini giá 500.000 đồng theo một Influencer khá có tiếng trên Facebook. Trong clip review, người này chứng minh máy hút khỏe bằng cách hút lên một cuốn sách khá dày. Tuy nhiên khi mua về, ngay từ lần dùng đầu tiên, tôi thất vọng khi máy hút rất yếu dù đã sạc đầy pin, cảm giác như tôi bị lừa vậy”, cô kể.
Sau đó, vì chế độ bảo hành rườm rà, cô “vứt xó” chiếc máy, bỏ theo dõi luôn KOL này.
Lần khác, cô mua hộp phấn phủ theo một TikToker có hàng trăm nghìn người theo dõi, “nhìn có vẻ uy tín”, chuyên đăng nội dung về làm đẹp, chăm sóc da và nhận về sự thất vọng tương tự. Khi bức xúc và để lại ý kiến dưới clip quảng cáo của người này, bình luận của cô nhanh chóng bị xóa.
Ngoài sự tin tưởng, lý do nhiều khách hàng quyết định mua theo lời giới thiệu của những người có ảnh hưởng là những ưu đãi, khuyến mại khi đặt hàng theo đường link họ gắn.
Đó là trường hợp của Ngọc Hà (sinh năm 1996, TP.HCM) với hai chiếc lược mua theo giới thiệu của Influencer có 1,1 triệu người theo dõi.
“Lần đó giá giảm khá sâu, mỗi chiếc chỉ còn khoảng 200.000 đồng nên tôi đã xuống tiền ngay sau khi xem clip. Tuy nhiên tôi mới dùng được vài tháng, phần nhựa bọc đầu các thanh lược đã bung gần hết, chải rất đau trong khi tôi nghe nói loại lược này gỡ rối tốt, chải bền. Tôi hoang mang, không biết có bị giao hàng nhái hoặc lỗi không nữa”, Hà nói.
Rút kinh nghiệm
Dù không mất quá nhiều tiền, Thái Phan (sinh năm 1999, Hà Nội) vẫn bức xúc khi nhớ lại trải nghiệm mua hộp phấn phủ theo một KOC có gần 500.000 người theo dõi. KOC này thường xuyên làm các video review khá chi tiết với lối nói chuyện lưu loát, dễ lấy được lòng tin của những người mới tập tành trang điểm như Thái.
"Người này nói rằng sản phẩm kháng nước, lâu trôi, kiềm dầu tốt, giá lại bình dân 70.000 đồng nên tôi mua theo. Đến khi dùng thử, tôi thấy hạt phấn quá to, không hề mịn, kiềm dầu tệ, chưa kể mỗi lần lấy không kiểm soát được lượng phấn, bay tứ tung. Sau 3 lần cố gắng dùng cho đỡ phí, tôi vẫn phải chào thua", Thái kể. Nhiều người bình luận về sản phẩm này ở một số video khác cũng có kết quả tương tự.
Khi tìm hiểu, Thái nhận thấy KOC này trước đây được nhiều người khen ngợi, tin tưởng vì giới thiệu khách quan, chân thực, tự bỏ tiền ra mua sản phẩm dùng thử. Song với trải nghiệm của mình, Thái đặt câu hỏi liệu KOC này có được hãng phấn phủ đó thuê giới thiệu sản phẩm hay không, bởi đây là điều không mới đối với nhiều kênh review sản phẩm khác.
"Từ giờ, tôi không đặt nhiều niềm tin vào những video của các KOL, KOC trên mạng nữa. Nếu cần tham khảo, hoặc tôi sẽ hỏi người từng sử dụng sản phẩm đó, hoặc chỉ xem đánh giá của những người có độ uy tín nhất định, nhất là người làm việc trong ngành hoặc kênh của bác sĩ, dược sĩ", Thái chia sẻ.
Thái hối hận khi mua phải hộp phấn phủ kém chất lượng.
Đối với Ngọc Hà, khi thấy sản phẩm nào bỗng dưng "hot", được nhiều người khen, cô sẽ đợi một thời gian, xem phản hồi của những người đã mua sử dụng thay vì vội vàng chốt đơn. Bên cạnh đó, cô hạn chế mua hàng trên livestream để cân nhắc kỹ.
"Trước đây, tôi cứ nghĩ săn sale trên livestream của KOC cho rẻ, nhưng càng ngày tôi nhận ra rằng đã là hàng không tốt thì mua với giá 1.000 đồng cũng là đắt, không nên ham quá".
Sau những lần mua sai, Thêu cũng khẳng định đã "quá sợ" các clip giới thiệu tưởng chừng chân thật trên mạng xã hội. Hiện, nếu cần mua mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da, cô thường đến trực tiếp các cửa hàng để được tư vấn hoặc chỉ nghe lời giới thiệu từ bạn bè, người quen đã sử dụng và thấy hiệu quả.
"Nói chung, chính người xem, khách hàng phải là người tỉnh táo, cẩn trọng để lựa chọn được những sản phẩm chất lượng thay vì rơi vào ma trận video review", cô nói.