Đó là thông tin tại Hội nghị Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu do Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21/9.
Các doanh nghiệp phải có chia sẻ, Bộ Công Thương đã đề nghị nhiều lần chưa được giải quyết
Tại hội nghị, ông Hoàng Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ với các doanh nghiệp, thương nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng xăng dầu trong những năm qua, đặc biệt, trong những năm diễn ra dịch bệnh từ đầu năm 2020 và gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2022 do tình hình dịch bệnh, biến động của thị trường thế giới... đã ảnh hưởng trên toàn bộ chuỗi của toàn cầu.
Vì vậy, thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu. "Việt Nam đã sản xuất được 70-75% xăng dầu, nhập khẩu trên dưới 20% để đảm bảo đáp ứng nhu cầu hơn 23 triệu m3 xăng dầu mỗi năm" - ông Tuấn thông tin.
Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ để đảm bảo nguồn cung cho doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng với gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Ông Tuấn nêu, về vấn đề điều hành, chiết khấu xăng dầu, chúng tôi là đơn vị tham mưu chính sách. Bản chất cuối cùng của chính sách là thực tiễn, thực tiễn doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ tiếp thu, tham mưu điều chỉnh làm sao cho phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Tuy nhiên, với vấn đề chiết khấu thấp như hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ với các doanh nghiệp đầu mối cần có đàm phán, chia sẻ với nhau trong thời điểm khó khăn. "Có thời điểm doanh nghiệp đầu mối chiết khấu cao hơn, nhưng đây là thời điểm khó khăn chung trong toàn hệ thống, do đó các doanh nghiệp cần bắt tay, chia sẻ với nhau trong giai đoạn này" - ông Tuấn nói.
Về chi phí định mức, Vụ đã tham mưu gửi Bộ Tài chính để tiếp cận sát thực tế thị trường. Bộ cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Liên quan đến vấn đề rút ngắn thời gian điều hành, theo ông Hoàng Anh Tuấn, trước đây theo Nghị định 83 là 15 ngày, tới Nghị định 95 được rút ngắn, chỉ còn điều hành vào ngày mùng 1, 10 và 21 để tiếp cận hơn với giá thế giới.
“Quan điểm ở góc độ điều hành là phải hài hoà giữa Nhà nước - doanh nghiệp (kinh doanh, tiêu dùng xăng dầu) và người dân. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng phải tham mưu với cấp có thẩm quyền khi điều hành, quản lý. Chúng tôi ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu với cấp có thẩm quyền” - ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp - người tiêu dùng
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) bày tỏ rất hiểu những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Có thể nói, thời điểm dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung ứng trên toàn thế giới, trong đó có mặt hàng xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng. Đáng chú ý, không chỉ Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu đang đối diện với nguy cơ về khủng hoảng năng lượng cho mùa đông sắp tới.
Lực lượng quản lý thị trường đã có rất nhiều hoạt động làm sao để đảm bảo được an sinh xã hội, đảm bảo được chuỗi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, qua ý kiến của các doanh nghiệp, vấn đề mà các doanh nghiệp đang quan tâm là có đủ nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ hay không?
“Chẳng hạn như, đại diện doanh nghiệp ở Yên Bái có nói rằng khoảng cách địa lý quá xa, ô tô chưa kịp chở xăng dầu lên để phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa...”- ông Lê nêu và khẳng định, trong thời gian vừa qua lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một số cửa hàng có tình trạng hết xăng để bán là đúng, nhưng do hoàn cảnh khách quan.
“Chúng tôi cũng báo cáo ngay cho Bộ trưởng Bộ Công Thương qua kiểm tra đó là tình hình thực tế. Chính vì vậy là trong thời gian vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 3 quyết định thành lập 3 đoàn công tác đặc biệt do các đồng chí là lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn, đoàn kiểm tra, giám sát, có trách nhiệm đôn đốc để kinh doanh xăng dầu được ổn định” - ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Về vấn đề tiếp nhận các thông tin phản ánh từ người dân, từ các doanh nghiệp trong việc có hay không đầu cơ, găm hàng, không bán hàng phục vụ cho người dân?, ông Lê cho hay, chúng tôi mong muốn cơ quan truyền thông đồng hành cùng với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, lực lượng quản lý luôn luôn cập nhật thông tin về các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ tới các cơ quan truyền thông, để từ đó đến với người dân, nhằm tránh những hình ảnh méo mó gây ra những dư luận không tốt về các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đối với ý kiến nói rằng doanh nghiệp cũng mong muốn lực lượng quản lý thị trường thông cảm và hiểu cho những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian hiện nay, theo ông Nguyễn Đức Lê, hiện về phía Bộ Công Thương, đặc biệt Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thường xuyên có những chỉ đạo sát sao đối với Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo cho 63 tỉnh, thành cả nước làm sao bảo đảm được quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp nhưng cũng đảm bảo quyền của người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội.
“Cơ quan quản lý thị trường tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội. Chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo lại với lãnh đạo Bộ cũng như từ đó sẽ đưa ra các giải pháp làm sao để trong thời gian ngắn nhất có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ yên tâm kinh doanh xăng dầu, đảm bảo quyền của người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội” - ông Nguyễn Đức Lê nêu.