Kết thúc tháng 2/2023, tổng hợp dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, còn 208,6 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023. Trong 2 tháng kể từ đầu năm đến nay, có gần 19 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu đã đáo hạn hoặc được mua lại trước hạn.
Nếu không có hoạt động mua lại trước hạn nào đáng kể thì trong 10 tháng còn lại của năm, áp lực đáo hạn dồn vào tháng 9 với giá trị cao nhất đạt trên 33,2 nghìn tỷ đồng, áp lực lớn tiếp theo dành cho tháng 12 với 28,3 nghìn tỷ đồng.
Trong tháng 3, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 19,2 nghìn tỷ đồng. Masan Group (MSN) và Hưng Thịnh Land là 2 doanh nghiệp có giá trị trái phiếu đáo hạn lớn nhất.
Masan Group sẽ đáo hạn 2 lô trái phiếu BondMSN012023 có giá trị phát hành 3.000 tỷ đồng (đáo hạn ngày 9/3/2023) và lô BondMSN022023 có giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng (đáo hạn vào ngày 30/3/2023). 2 lô này nằm trong 4 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 10.000 tỷ đồng trong năm 2020 của tập đoàn.
Trước đó, vào tháng 9/2022, Masan phát hành 2 lô trái phiếu tổng trị giá 1.500 tỷ đồng, dùng để thanh toán gốc của trái phiếu BondMSN012023. Vào tháng 10, Masan tiếp tục phát hành 2 lô trái phiếu tổng trị giá 4.000 tỷ đồng để thanh toán cho BondMSN022023.
Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ Masan Group, trong năm 2023 sẽ có 14.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả.
Đứng thứ 2, Hưng Thịnh Land sẽ đáo hạn 2.685 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 3, là tổng giá trị phát hành của 5 lô trái phiếu. Đứng thứ 3 là Novaland Group (NVL), theo kế hoạch, sẽ đáo hạn 3 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 2.057 tỷ đồng. Bám ngay sát là CII – chỉ một lô có giá trị 2.000 tỷ.
Nhóm Trung Nam bao gồm CTCP Trung Nam, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam sẽ đáo hạn tổng cộng 1.300 tỷ.