Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thông tin về tình hình thực hiện công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Tăng trưởng số người tham gia bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giữa bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, công tác giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã giải quyết 38.810 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 5.998.841 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 443.457 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, cả nước có khoảng 64,231 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú với số tiền chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 46.294 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường triển khai. Tính đến hết ngày 15/6/2022, toàn ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 9.971 đơn vị. Qua công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 7.219 lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 38,1 tỷ đồng.
Có 16.328 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 17,6 tỷ đồng; tổng số tiền các đơn vị được thanh tra kiểm tra nợ trước khi có quyết định thanh tra kiểm tra là 1.238,3 tỷ đồng, số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp là 950,6 tỷ đồng; ban hành 94 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 10,7 tỷ đồng.
Mặc dù còn những tồn tại, song theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Đến hết tháng 6/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 16,8 triệu người (tăng hơn 4,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 1,7% so với hết năm 2021), chiếm 33,26% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,323 triệu người.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,794 triệu người (tăng gần 4,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với hết năm 2021), chiếm 27,28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 86,538 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,66% dân số.
Kiểm tra kỹ các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Bên cạnh việc chi trả các chế độ an sinh cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, tính đến hết tháng 6/2022, thực hiện 3 chính sách hỗ trợ người lao động và người lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, toàn ngành đã thực hiện giảm đóng vào các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp và chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí trên 45.444 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, riêng chi trả chế độ hỗ trợ bằng tiền cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền 30.804 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà thực hiện theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, tính đến ngày 10/7, đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.767.134 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp (có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng).
Với người lao động quay trở lại thị trường lao động (có mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng), bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 6.771 đơn vị với 82.429 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Kết quả trên đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
“Toàn ngành phối hợp với các cấp, ngành giải quyết đồng thời, hài hòa hai vấn đề quan trọng, đó là, vừa đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng, vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ; đảm bảo hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp...”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cũng lưu ý, Bảo hiểm xã hội các tỉnh cần thẩm định, kiểm tra kỹ khi tiếp nhận các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, vừa hài hòa lợi ích của người lao động, vừa đảm bảo đúng quy định...