Thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành ngân hàng nói chung và các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM nói riêng tiếp tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2023, có 20 Ngân hàng trên địa bàn Thành phố đã đăng ký gói tín dụng ưu đãi, với quy mô đạt 453.070 tỷ đồng, tăng 4% so với gói tín dụng của năm 2022. Đây là gói tín dụng nằm trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, “Việc đăng ký gói tín dụng và giải ngân gói tín dụng thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, bởi nó gắn liền với cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước và chính sách tín dụng đối với khách hàng của Tổ chức tín dụng và sẽ là minh chứng rõ nhất, cụ thể nhất cho việc chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Để đạt được mục tiêu này, các tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý nhà nước (ngân hàng, sở ngành liên quan và các quận, huyện) cần quan tâm để tiếp tục phối hợp hiệu quả trong tổ chức và thực hiện chương trình”.
Các tiêu chí của gói tín dụng ưu đãi này là: lãi suất cho vay hợp lý; cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay ngoại tệ (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước); cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ; cho vay kích cầu đầu tư và hỗ trợ lãi suất của Ủy ban Nhân dân TP.HCM; cho vay lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ; hỗ trợ dịch vụ, phí và hạn mức tín dụng gắn với cải cách hành chính…
Được biết, qua nhiều năm triển khai, quy mô của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ngày càng mở rộng và phát triển bởi sự phù hợp với thực tiễn khách quan. Nếu so với tổng huy động vốn trên địa bàn, quy mô gói tín dụng ưu đãi các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký cho chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn năm 2023 chiếm khoảng 14%.
Đây là con số ấn tượng cho một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, một chương trình đã trở thành cầu nối và thương hiệu về tháo gỡ khó khăn và đối thoại doanh nghiệp trong suốt nhiều năm qua của ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng và càng trở nên ý nghĩa hơn trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi lẽ chương trình sẽ là nơi để doanh nghiệp phản ánh, gặp gỡ và đối thoại, doanh nghiệp nắm bắt và hiểu rõ chính sách hơn, tiếp cận vốn thuận lợi hơn và trên hết là các bên thực thi tốt nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.
Cũng theo ông Lệnh, nếu triển khai đúng mục tiêu của chương trình, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn rất lớn và thiết thực, cả về vốn, lãi suất cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thuận lợi nhất các dịch vụ ngân hàng… Từ đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.