PouYuen cắt giảm hơn 5.700 lao động, quy mô lớn nhất kể từ năm 1996. Ảnh: Chí Hùng.
Chiều 18/5, ông Nguyễn Văn Lâm Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết vừa làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam về hoạt động sản xuất, kinh doanh và kế hoạch sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Theo đó, PouYuen dự kiến có 2 đợt cắt giảm nhân sự, tổng 5.744 người có hợp đồng không xác định thời hạn, tương đương 10% lao động tại công ty.
Cụ thể, đợt 1 vào ngày 24/6 với 4.519 lao động và đợt tiếp theo vào ngày 8/7 với 1.225 lao động. Đây là đợt giảm lao động quy mô lớn nhất kể từ khi PouYuen hoạt động ở TP.HCM năm 1996.
Về độ tuổi, người lao động 21-30 tuổi chiếm 6,8%; 30-40 tuổi chiếm 39,6% và trên 40 tuổi chiếm 53,6%.
Trường hợp lao động nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; hộ nghèo, lao động khuyết tật... sẽ không đưa vào diện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trong 2 đợt này. Công ty sẽ gặp người lao động để thông tin nội dung liên quan như cách chi trả trợ cấp thôi việc, ngày nhận lương, sổ bảo hiểm xã hội, thủ tục thuế.
Ngày 20/5 và 3/6, công ty sẽ tổ chức 2 buổi tiếp xúc với người lao động để thông báo tình hình, kế hoạch nhân sự và các chế độ mà người lao động sẽ được hưởng trong trường hợp 2 bên đạt được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Về chế độ chi trả trợ cấp thôi việc, công ty chi trả cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại công ty, cứ mỗi năm là 0,8 tháng tiền lương (tiền lương căn cứ chi trả trợ cấp được tính bằng bình quân 6 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng).
Ngoài ra, trong thời gian báo trước chấm dứt hợp đồng, lao động không đến làm việc vẫn được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp... Công ty cam kết các chế độ giải quyết cho người lao động đảm bảo quy trình và theo đúng quy định của pháp luật, không để người lao động chịu thiệt thòi khi nghỉ việc.
Đánh giá tình hình quan hệ lao động ở thành phố và thông tin về kế hoạch ứng phó trước tình trạng hàng nghìn lao động mất việc, ông Lâm cho biết Sở LĐTBXH đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động TP, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao, Bảo hiểm xã hội TP, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức để theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động.
Từ tháng 4 đến nay, không xảy ra tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn thành phố, tình hình quan hệ lao động tại Thành phố cơ bản được giữ ổn định, hài hòa.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết cơ quan dự báo thị trường lao động trong thời gian tới vẫn còn bị ảnh hưởng và trầm lắng vì nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may - giày da, bất động sản, xây dựng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ…
Còn ở các lĩnh vực khác như sản xuất lương thực, thực phẩm, đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử máy tính; bán buôn và bán lẻ; du lịch; tài chính - ngân hàng;… có chiều hướng tăng về nhu cầu tuyển dụng, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong các lĩnh vực này.