Bộ Tài chính cho biết đến ngày 26/2 cả nước đã có 7.542 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định, tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm 1/12/2023.
Nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai đạt cao như Bắc Ninh đạt 100%, Đắk Lắk đạt 97%, Thanh Hóa đạt 95%, Yên Bái đạt 91%, Nam Định đạt 89%, Hà Nội đạt 88%, Hải Dương đạt 88%, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 83%, Quảng Nam đạt 82%, Vĩnh Phúc đạt 81%...
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị có sự phối hợp với cơ quan thuế tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng.
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định.
Cụ thể, đẩy mạnh và đa dạng hóa biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; quản lý, kiểm tra giám sát, thúc đẩy việc triển khai.
Cùng với đó, làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp xác định cụ thể mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Ngoài ra, có lộ trình thực hiện cụ thể, ưu tiên thực hiện ngay trước các cửa hàng đã được đầu tư trang bị cột bơm xăng dầu điện tử có tính năng truyền nhận thông tin đến máy tính.
Ngoài ra, Cục Thuế cần tham mưu UBND tỉnh, thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán. Đồng thời thanh tra, kiểm tra, và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp sai phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Theo Nghị định 123/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử, đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Bộ Tài chính cho biết đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn điện tử đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh thì hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu (không cần thông tin người mua).
Bên cạnh đó, việc lập hóa đơn điện tử là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng hóa đơn đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra). "Do đó, hoạt động này không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định", cơ quan quản lý đánh giá.