Nội dung chính:
- DIC chưa cung cấp đủ thư xác nhận đối với các khoản công nợ trị giá gần 818 tỷ đồng, khiến báo cáo tài chính một lần nữa bị công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.
- 2022 là năm thứ tư báo cáo tài chính của DIC bị công ty kiểm toán từ chối đưa ý kiến. Đây cũng là năm thứ tư công ty thua lỗ.
CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC, UpCOM: DIC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tuy nhiên đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (AASCS) một lần nữa từ chối đưa ra ý kiến. 2022 là năm thứ tư báo cáo tài chính của DIC bị công ty kiểm toán từ chối cho ý kiến.
Tháng 8/2023, DIC đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phạt 85 triệu đồng vì chậm công bố báo cáo tài chính quý III, IV năm 2019 và báo cáo tài chính các quý, báo cáo tài chính năm 2020.
Hơn 800 tỷ đồng công nợ chưa được xác nhận
Một trong những nguyên nhân chính khiến báo cáo tài chính của DIC bị công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến là công ty chưa cung cấp được thu xác nhận đối với các khoản công nợ giá trị gần 818 tỷ đồng.
Các khoản công nợ này bao gồm (1) phải thu khách hàng ngắn hạn có giá trị 312 tỷ đồng; (2) trả trước cho người bán ngắn hạn 247 tỷ đồng; (3) phải thu khác ngắn hạn 97 tỷ đồng; (4) phải trả người bán ngắn hạn gần 106 tỷ đồng; (4) người mua trả tiền trước ngắn hạn 46 tỷ đồng; (5) phải trả ngắn hạn khác 9,7 tỷ đồng. DIC cũng được cho là chưa đánh giá khả năng thu hồi và xác định tổn thất đối với các khoản nợ phải thu này.
So với tổng tài sản công ty tại thời điểm cuối năm 2022 là 1.127 tỷ đồng, giá trị các khoản công nợ chưa được xác nhận nói trên tương đương 73%.
Xác nhận công nợ phải thu là một thủ tục quan trọng để kiểm toán viên thu thập bằng chứng về sự hiện hữu của khoản mục này, được thu thập trực tiếp bằng văn bản từ các nguồn độc lập bên ngoài đơn vị - gọi là thư xác nhận nợ.
Khoản mục nợ phải thu là một khoản mục quan trọng, là tài sản của doanh nghiệp đang bị đối tác bên ngoài chiếm dụng, cũng như sẽ hé lộ các sai phạm tồn tại (nếu có) trong việc ghi nhận cũng như quản lý nợ phải thu tại các doanh nghiệp.
DIC hoạt động trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu Clinker, thạch cao, gỗ, sắt thép, sản xuất VLXD... Ảnh: DIC
Cũng với những lý do tương tự, báo cáo tài chính năm 2021 của DIC đã bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến. DIC từng giải trình và cho biết dịch bệnh Covid kéo dài đã ảnh hướng đến việc tập hợp số liệu phục vụ công tác lập báo cáo tài chính, khiến công ty không cung cấp được các hồ sơ và tài liệu cho công ty kiểm toán đúng hạn.
Với BCTC kiểm toán lần này, DIC chưa giải trình về việc đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, cũng chưa công bố lý do công ty chậm cung cấp các thư xác nhận công nợ. Năm 2022, về cơ bản tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát.
Kiểm toán không chắc chắn về giá trị hàng tồn kho
Tính đến cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho của công ty là 169 tỷ đồng - không chênh lệch dù chỉ một đồng so với đầu năm. Phần lớn giá trị hàng tồn kho nằm ở hạng mục Hàng hóa với giá trị 101 tỷ đồng, còn lại là Thành phẩm (59 tỷ đồng); Nguyên liệu, vật liệu (8 tỷ đồng)... Tổng giá trị hàng tồn kho không thay đổi, nhưng cơ cấu hàng tồn kho cuối năm 2022 đã thay đổi so với đầu năm.
Đơn vị kiểm toán cho biết họ không được tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho nên không đảm bảo tính hiện hữu của hạng mục này… Đây cũng là một trong những lý do khiến công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính của DIC.
Ngoài ra, AASCS cũng lưu ý một số khoản đầu tư của DIC.
Cụ thể, đối với khoản hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp trị giá 31 tỷ đồng (chưa được xác nhận), theo đơn vị kiểm toán, đến nay đã hết thời hạn thực hiện nhưng các bên không thực hiện theo nội dung cam kết. Phía kiểm toán không thu thập được các hồ sơ để xác định các bên có tiếp tục thực hiện như cam kết hay không, không đánh giá được khả năng thu hồi số tiền đã đầu tư cũng như không xác định được các điều chỉnh số liệu này trên báo cáo tài chính hợp nhất hay không.
Theo thuyết minh, ngày 19/6/2014 DIC và Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp đã ký hợp đồng góp vốn với mục đích sở hữu và khai thác hệ thống tài sản là máy móc thiết bị lò quay Clinker công suất 1.200 tấn/ngày mua lại của CTCP Xi măng Hữu Nghị.
Theo thoả thuận, tổng số tiền DIC góp vốn sẽ được chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp làm 2 lần: lần 1 không quá 1 năm sẽ chuyển nhượng 11 tỷ đồng đồng thời được hưởng lãi suất cố định 14%/năm. Lần 2 không quá ba năm sẽ chuyển 20 tỷ đồng còn lại cùng với lãi suất 11,5%/năm đầu tiên, các năm sau theo thoả thuận của 2 bên. Nếu Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp không thực hiện theo các cam kết trên thì DIC có quyền trưng thu hoặc thanh lý tài sản để thu hồi vốn.
Đối với khoản đầu tư vào CTCP Xi măng Yến Mao trị giá 32,8 tỷ đồng để thực hiện Dự án xây dựng Dây chuyền sản xuất Clinker - Xi măng, theo đánh giá của AASCS, dự án thực hiện đã lâu nhưng chưa hoàn thành và đang tạm ngưng. Đến thời điểm phát hành báo cáo, kiểm toán viên chưa thu thập được thông tin về tiến độ dự án để đánh giá khả năng tiếp tục thực hiện, chưa nhận được báo cáo tài chính…
Một vấn đề được AASCS nhấn mạnh trong báo cáo kiểm toán của DIC là khoản công nợ phải thu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 208 tỷ đồng (trong đó 171,9 tỷ đồng chưa được xác nhận nợ). DIC đã làm đơn kiện và gửi lên Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu EVN thanh toán khoản nợ này. Đến tháng 7/2023, DIC đã nhận được quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc xét xử sơ thẩm vụ kiện. Báo cáo tài chính không công bố chi tiết kết quả xét xử sơ thẩm.
Kết thúc năm 2022, DIC đạt doanh thu 17 tỷ đồng, giảm 99% so với năm 2021. Công ty báo lỗ 107 tỷ đồng. Với con số này, DIC đã có 4 năm thua lỗ liên tiếp.
Kiểm toán từ chối đưa ý kiến là một dấu hiệu rất tiêu cực về báo cáo tài chính của một doanh nghiệp. Với việc này, các khoản mục trọng yếu của báo cáo tài chính không đủ cơ sở để xác nhận, hay nói cách khác không đủ tin cậy.
Nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định mua/bán cổ phiếu doanh nghiệp có kiểm toán từ chối đưa ý kiến.