Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 133.700 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021 (vượt mốc 105.400 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 tỷ đồng ) với 80.100 doanh nghiệp, chiếm 89,6% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan thống kê cho rằng sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, một phần để tránh và giảm thiểu mức rủi ro thiệt hại do những hệ lụy từ dịch Covid-19 và từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Mặt khác, việc huy động vốn vào thời điểm này là rất khó khăn.
"Các doanh nghiệp nước ta đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như chuỗi cung ứng gặp khó khăn; giá một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng; nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời; doanh nghiệp cần có thời gian phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, thị trường trở lại...", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm, cũng có 94.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7%. Theo đó, bình quân một tháng có 13.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng cục Thống kê cho rằng nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; áp lực lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
CPI tháng 7 đã tăng lần lượt 0,4% và 3,14% so với tháng trước và tháng 7/2021. Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng. Cùng với đó là giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.