55,3% số vợ ở Nhật Bản không hài lòng với số việc nhà mà chồng của họ đảm nhận, đây là con số thống kê của viện nghiên cứu tư nhân Shufu Job Shoken, SCMP đưa tin.
Cũng theo khảo sát này, gần 40% số vợ cho biết không hài lòng vì chồng "chỉ giúp đỡ một chút", và 15,5% nói rằng chồng không bao giờ nấu nướng, dọn dẹp hay chăm sóc con cái.
Đây là "mức độ không hài lòng" cao nhất mà viện nghiên cứu ghi nhận được trong 3 năm theo dõi.
Trong 510 người được hỏi, chỉ 16,7% thấy "đủ" và hài lòng với sự giúp đỡ việc nhà từ bạn đời, 28% cho biết chồng làm "một chút" nhưng họ "không phàn nàn gì".
"Chồng tôi không nấu ăn, không giặt giũ và chẳng bao giờ dọn dẹp nhà cửa. Anh ấy có đổ rác mỗi buổi sáng, nhưng là bởi tiện đường đi ra ngoài", Fumiyo Hayashi (51 tuổi, Yokohama) nói.
Hayashi ước chồng có thể làm nhiều việc nhà hơn, nhưng dù sao cô cũng thấy may vì hai người không cãi cọ nhau về chuyện này.
Chồng của cô làm việc nhiều giờ tại một nhà sản xuất ôtô lớn, nhưng cô cũng có hai công việc bán thời gian để kiếm đủ tiền trang trải phí sinh hoạt. Hayashi thường xuyên về nhà trong tình trạng mệt mỏi, nhưng vẫn phải lo chuẩn bị bữa tối và dọn nhà.
"Một góc tích cực là mỗi lần tôi kêu mệt thì chồng bảo ra ngoài ăn tối để cả hai được nghỉ ngơi sớm", Hayashi bày tỏ.
Trong nghiên cứu của Shufu Job Shoken có những lời phàn nàn rất cụ thể như "anh ấy không cuộn tất lại, vứt chúng trên sàn thay vì bỏ vào máy giặt", và cả những than vãn chung chung về chuyện chồng không dọn dẹp, bỏ bê nhiệm vụ nuôi dạy con cái.
Một số phụ nữ cho biết chồng họ "thiếu nhận thức" về những công việc nhà cần làm, nghĩa là họ phớt lờ những việc đó cho đến khi vợ phải xắn tay lên.
Một nguyên nhân gây xích mích khác là các ông chồng không đáp ứng được "tiêu chuẩn" của vợ.
Takako Tomura (43 tuổi, đến từ quận Kanagawa) thấy mình cũng có "tiêu chuẩn cao". Chồng cô khá giỏi việc nhà, thường xuyên dọn dẹp phòng tắm, nhà vệ sinh và lối vào nhà. Tomura đánh giá cao điều đó vì cô cũng công việc bán thời gian.
"Nhưng tôi nghĩ mình có thể làm việc nhà nhanh và tốt hơn anh ấy. Vì thế tôi hay đợi chồng ra ngoài rồi làm mọi thứ theo cách tôi muốn. Tôi đề cao ý thức của chồng nhưng vẫn làm lại hết thôi", Tomura nói.
Sumia Kawakami, giảng viên tại Đại học Yamanashi Gakuin, người tập trung vào các vấn đề về phụ nữ và giới tính, cho biết đã có sự thay đổi trong quan điểm của các gia đình ở Nhật Bản. Các cặp vợ chồng thuộc thế hệ trẻ ý thức tốt hơn trong việc chia sẻ trách nhiệm trong nhà.
"Trước đây, phụ nữ thường phải chọn sự nghiệp hoặc gia đình, nhưng dù đề cao sự nghiệp, họ vẫn phải cáng đáng việc nhà. Nhưng tôi lạc quan rằng điều đó đang thay đổi. Tôi thấy nam thanh niên ngày nay làm nhiều việc nhà hơn và đón con đi học mẫu giáo, cách đây vài năm thì không có chuyện này", Kawakami bày tỏ.
Sách là hành trình khám phá thế giới nội tâm của một người trẻ, đầy hỗn loạn của những suy nghĩ trăn trở, những dằn vặt, những cuộc chiến nội tâm, những cảm xúc vừa phức tạp cũng vừa rất đỗi con người.