Theo InsideEVs, doanh số của BYD trong quý II đã tăng trưởng khoảng 40% để đạt mức xấp xỉ 980.000 xe. Nhờ thành tích bán hàng này, BYD đã vượt qua 2 đối thủ lâu đời trong ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản là Honda và Nissan.
Dữ liệu của Nikkei Asia cho thấy trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, BYD là hãng xe bán tốt thứ 7 toàn cầu, tăng 3 bậc so với cùng kỳ năm ngoái. Ở quý II/2023, nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đứng thứ 10 trong danh sách này với khoảng 700.000 xe đến tay khách hàng.
Tính riêng trong quý II, Toyota là hãng xe Nhật Bản duy nhất có doanh số tốt hơn BYD. Cụ thể, Toyota ghi nhận lượng tiêu thụ 2,63 triệu xe trên toàn cầu, dẫn đầu danh sách các nhà sản xuất ôtô bán chạy nhất thế giới.
Top 3 hãng xe bán chạy nhất quý II cũng có sự xuất hiện của General Motors với 1,29 triệu xe đến tay khách hàng toàn cầu, còn Ford đã ghi nhận doanh số lũy kế đạt 1,04 triệu xe trong cùng kỳ.
BYD ghi nhận lượng xe bán ra tại các thị trường nước ngoài tăng gấp ba. Ảnh: BYD.
Theo InsideEVs, một phần lớn thành công của BYD đến từ các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Trong tổng số 2,79 triệu xe mà Trung Quốc xuất khẩu, nhóm ôtô thương hiệu BYD chiếm khoảng 4%, tương đương xấp xỉ 105.000 xe.
Con số có vẻ không quá lớn, nhưng thực tế số lượng xe xuất khẩu của BYD trong quý II năm nay đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, bất chấp các quy định siết chặt về thuế nhập khẩu với ôtô có nguồn gốc Trung Quốc.
Một số động lực chính cho tăng trưởng doanh số của BYD được cho là bao gồm công nghệ cải tiến, chính sách giảm giá và loạt sản phẩm có giá bán dễ tiếp cận. Chẳng hạn, BYD Seagull có giá bán tại Trung Quốc theo quy đổi không cao hơn 9.800 USD.
Lượng bán hàng ghi nhận được ở 2 quý đầu tiên cho thấy tiềm năng của BYD trong cả năm 2024. Nếu có thể duy trì doanh số như hiện tại, BYD hoàn toàn có thể vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, theo InsideEVs.
BYD Seagull có giá bán tại Trung Quốc theo quy đổi không cao hơn 9.800 USD. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, chuyên trang này cũng lưu ý rằng việc các thị trường Mỹ và châu Âu áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung có thể khiến BYD đối diện mức tăng trưởng doanh số chậm hơn trong phần còn lại của năm 2024.
Hiện, BYD đang xem xét khả năng thiết lập một cơ sở sản xuất ở Mexico, đồng thời lên kế hoạch mở rộng sang Canada. BYD chưa có kế hoạch bán xe cho khách hàng Mỹ nhưng nếu nhà sản xuất ôtô Trung Quốc quyết định tấn công thị trường xứ cờ hoa, mức thuế nhập khẩu bổ sung 100% sẽ là một rào cản không nhỏ.