Vào một buổi chiều mùa thu tại Câu lạc bộ Golf Hong Kong ở khu đô thị Phấn Lĩnh, hàng trăm chú chó đang đi dạo cùng chủ, tận hưởng đặc quyền trải nghiệm miễn phí ở khu vực thường thu phí thành viên tới 2 triệu USD.
Những bãi cỏ hoàn hảo này đang là điều gây ra tranh cãi giữa câu lạc bộ và chính quyền Hong Kong về đề xuất thu hồi gần 1/5 tổng diện tích 700.000 m2 của tổ chức này để xây nhà ở xã hội. Sự kiện dành cho những chú chó ở trên chính là cách câu lạc bộ kêu gọi công chúng đứng về phía mình.
Với tình trạng bất bình đẳng và thiếu nhà ở giá rẻ trầm trọng, chính quyền Hong Kong đang chịu áp lực giảm khoảng cách giàu nghèo theo mục tiêu “thịnh vượng chung”. Trong khi nhiều quan chức thành phố ủng hộ mục tiêu trên, một số người vẫn cố bảo vệ sự thịnh vượng mà chủ nghĩa tư bản mang lại, theo New York Times.
Xích mích
Câu lạc bộ golf Hong Kong đã vận động các thành viên lên tiếng phản đối đề xuất quy hoạch nhà ở xã hội. Một số nhân vật nổi bật trong giới chính trị cũng đã chỉ trích đề xuất này.
“Tôi hy vọng không ai gắn mác câu lạc bộ chơi golf là giàu có và quyền lực. Vì xét cho cùng đây là một trung tâm thể thao”, Regina Ip, cố vấn cấp cao của chính quyền Hong Kong và là thành viên Câu lạc bộ Golf Hong Kong, cho biết.
Ngược lại, một số tờ báo Hong Kong chỉ trích câu lạc bộ, cáo buộc họ phớt lờ nhu cầu của tầng lớp lao động.
“Nếu kế hoạch (xây nhà) bị cản trở, công chúng sẽ có cái nhìn tồi tệ hơn về việc doanh nghiệp thông đồng với quan chức”, một bài viết trên tờ Ta Kung Pao khẳng định, sau khi kế hoạch xây dựng nhà ở bị trì hoãn hồi tháng 8/2022.
Vào thời điểm đó, Hội đồng Tư vấn Môi trường (ACE) đã không đạt được sự đồng thuận về việc phê duyệt báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) cho kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội trên sân golf, theo HKFP.
Không chỉ những người đam mê chơi golf phản đối chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Một số nhân vật ưu tú trong giới kinh doanh cũng coi kế hoạch của chính quyền thành phố là tín hiệu nguy hiểm khi họ can thiệp vào nền kinh tế.
“Một đặc điểm của chủ nghĩa tư bản là khoảng cách giàu nghèo”, Shih Wing Ching, chủ sở hữu công ty bất động sản lớn nhất Hong Kong Centaline, cho biết. Ông nhận định “nếu cố gắng xóa bỏ đặc điểm này, chẳng hạn bằng cách loại bỏ bộ môn đánh golf”, điều đó sẽ thay đổi.
Vào năm 2019, Hiệp hội các nhà sản xuất Trung Quốc tại Hong Kong (CMA) cũng phản đối việc chính quyền thu hồi một phần hoặc toàn bộ sân golf của câu lạc bộ để xây nhà, vì lo ngại ảnh hưởng đến triển vọng tổ chức các giải đấu cũng như danh tiếng thành phố quốc tế của Hong Kong, theo China Daily.
Song cả hai bên đều nhận thức được rằng một phần nhỏ diện tích của câu lạc bộ golf đang tranh chấp không thể tác động nhiều đến cuộc khủng hoảng nhà ở tại đặc khu này.
Trong hơn 10 năm, một số tổ chức đã ghi nhận Hong Kong là nơi có thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới, đặc biệt khi so sánh thu nhập hộ gia đình trung bình với chi phí nhà ở trung bình.
Chậm trễ
Một số chính trị gia cho rằng khi nhắm mục tiêu vào câu lạc bộ golf, chính quyền thành phố đang hằn sâu thêm sự chia rẽ giữa người giàu và người nghèo.
Trong một video đăng trên kênh YouTube của câu lạc bộ golf, Lau Chi Pang, một thành viên trong ủy ban bầu cử Hong Kong, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức này.
Ông Lau khẳng định câu lạc bộ này có “giá trị văn hóa phong phú”. Ông Lau cho rằng nếu kế hoạch thu hồi đất được thực hiện, chính quyền thành phố sẽ “nhắm đến các câu lạc bộ tư nhân khác”.
Truyền thông ở Trung Quốc đại lục sau đó đã lên tiếng chỉ trích ông Lau.
Tranh chấp tại sân golf bắt đầu vào năm 2018, khi chính quyền Hong Kong trưng cầu dân ý về địa điểm thu hồi đất để xây nhà ở xã hội và một số chính trị gia đề xuất thu hồi đất từ Câu lạc bộ Golf Hong Kong. Khu đất này thuộc sở hữu của thành phố và được cho thuê từ năm 1911.
Các cuộc thăm dò cho thấy 60% công chúng ủng hộ kế hoạch này. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới kinh doanh, chính quyền Hong Kong đã quyết định chỉ thu hồi khoảng 130.000 m2 đất.
Tuy nhiên, ông Lau lập luận rằng Hong Kong có nhiều quỹ đất khác để phát triển nhà ở, đặc biệt là dọc theo khu vực phía Bắc giáp với thành phố Thâm Quyến ở Trung Quốc đại lục.
Tình trạng chậm trễ cho thấy sự tương phản giữa Hong Kong và thành phố Thâm Quyến lân cận. Trung tâm kinh tế với hơn 17 triệu dân của Trung Quốc đại lục đã khai thác một số sân golf để phát triển đô thị trong những năm gần đây. Một số người cho rằng chính quyền Thâm Quyến quyết đoán và kiên quyết.
Tính đến cuối năm 2022, chính quyền Hong Kong đã nhận được hơn 6.000 lá thư từ các thành viên câu lạc bộ golf và những người khác phản đối kế hoạch thu hồi đất.
Họ đưa ra nhiều lý lẽ, từ vỏn vẹn một câu "Tôi muốn chơi golf!" đến bản kiến nghị dài 500 trang liệt kê giá trị lịch sử của sân golf và tầm quan trọng của Giải Hong Kong Mở rộng - giải đấu quốc tế nổi tiếng được tổ chức tại câu lạc bộ này.
Một số chính trị gia cũng cảnh báo về tình trạng tắc đường và thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ nhóm cư dân mới.
Trong khi đó, các tổ chức thúc đẩy xây dựng thêm nhà ở xã hội ngày càng thất vọng vì sự chậm trễ.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ bất kỳ vùng đất nào mà chúng tôi xứng đáng được nhận”, Man Yu Ming, Chủ tịch Liên đoàn Bất động sản Nhà ở Công cộng, cho biết.