Tháng 12/2012, James Zhong tình cờ phát hiện ra một lỗi phần mềm khi đang rút tiền trên Silk Road, trang web mua bán ma túy phổ biến của thế giới ngầm.
Trang này được mệnh danh là Amazon của thế giới ngầm, nơi mọi người có thể đăng bán mọi loại hàng hóa kể cả ma túy. Với mức độ ẩn danh và bảo mật cao, Silk Road được mệnh danh là thiên đường cho các giao dịch trái phép.
Khi đó, Zhong mới 22 tuổi và lên Silk Road để mua cocaine. "Trong lúc vô tình nhấp đúp vào nút rút tiền, tôi bị sốc khi phát hiện ra web cho phép rút gấp đôi số bitcoin mà người dùng đã gửi", Zhong nói tại tòa án liên bang.
Sau khi phát hiện ra lỗ hổng, chỉ trong vài giờ, Zhong liên tiếp tạo các tài khoản mới và đánh cắp 50.000 Bitcoin trị giá khoảng 600.000 USD, theo tài liệu tòa án được công tố viên liên bang công bố.
Tội ác bị phơi bày
Năm 2013, Silk Road bị đóng cửa trong khi nhà sáng lập Ross Ulbricht bị chính quyền bắt giữ. Ulbricht bị kết án chung thân do buôn bán ma túy.
Ban đầu, các nhà chức trách nước Mỹ gặp khó khăn trong việc truy vết những tài khoản tội phạm như Zhong. Các điều tra viên khi ấy vẫn chưa thành thạo cách theo dấu người dùng hay nhóm tội phạm ẩn sau địa chỉ ví blockchain, chuỗi chữ cái và số dùng để gửi nhận tiền số ẩn danh.
Tính năng cơ bản này chính là sự riêng tư mà thị trường tiền số mang lại cho người dùng. Trong 8 năm sau, Zhong liên tục chuyển số Bitcoin ăn cắp từ tài khoản này sang tài khoản khác hòng che đậy dấu vết phạm tội.
Với 9 tài khoản giả, Zhong đã chuyển ngẫu nhiên 200-2.000 Bitcoin trên mỗi tài khoản, sau đó liên tục yêu cầu rút tiền với tốc độ 5 lần/s để đánh lừa hệ thống. Chiêu trò của Zhong đã thành công và anh được chợ đen trả về số Bitcoin có giá trị gấp nhiều lần so với số anh đã chuyển vào.
Đã có thời điểm vào năm 2021, khi cơn sốt tiền số lên đến đỉnh điểm, giá trị kho tài sản của Zhong đã đạt mốc 3,4 tỷ USD.
Trở thành tỷ phú, chàng sinh viên khoa học máy tính của Đại học Georgia vẫn sống trong một ngôi nhà khiêm tốn ở Athens (Georgia) với trang phục thường ngày là quần đùi và áo phông.
Ngoài ra, Zhong còn sở hữu một bất động sản nghỉ dưỡng nghỉ ngơi bên hồ ở Gainesville (Georgia), một chiếc xe thể thao Lamborghini và một chiếc Tesla trị giá 150.000 USD.
Gần 10 năm sau phi vụ ăn cắp đầu tiên, vào tháng 11/2021, Zhong bất ngờ nhận được thông báo về lệnh khám xét của các đặc vụ liên bang.
Đột nhập vào nhà nghi phạm James Zhong, cảnh sát Mỹ phát hiện khối tài sản Bitcoin từng có trị giá hơn 3 tỷ USD được cất giấu trong hộp bắp rang đặt giữa phòng tắm. Bộ Tư Pháp Mỹ (DoJ) xác nhận đây chính là toàn bộ 50.676 Bitcoin được đánh cắp từ website chợ đen Silk Road cách đây 10 năm.
Cho đến nay, đây vẫn là vụ thu giữ tiền số lớn thứ hai trong lịch sử của Bộ Tư pháp Mỹ. “James Zhong bị buộc tội gian lận tài chính từ 10 năm trước vì đánh cắp hơn 50.000 Bitcoin từ Silk Road. Trong suốt 10 năm qua, tung tích của khối tài sản Bitcoin khổng lồ trị giá hơn 3,3 tỷ USD đã trở thành một bí ẩn không có lời giải”, công tố viên Damian Williams cho biết.
Mạng lưới giao dịch tiền số trên toàn cầu
Đến tháng 3/2022, James Zhong quyết định đầu thú và nhận tội lừa đảo trên Silk Road trong phiên tòa ngày 4/11. DoJ cho biết Zhong có thể sẽ chịu mức án tù lên đến 20 năm. Dự kiến vào ngày 15/4, sinh viên khoa học máy tính của Đại học Georgia sẽ chính thức bị kết tội.
Vụ của Zhong là một trong những ví dụ điển hình nhất về cách mà chính quyền liên bang đã xuyên thủng bức màn ẩn danh của hệ thống giao dịch chuỗi khối (blockchain).
Theo WSJ, các nhân viên điều tra tư nhân và chính phủ hiện đã có thể xác định các địa chỉ ví có liên quan đến những kẻ khủng bố, buôn bán ma túy, rửa tiền và tội phạm mạng ngay cả khi đã được cài đặt ẩn danh.
Cụ thể, cơ quan thực thi pháp luật đã hợp tác cùng nhiều công ty giao dịch tiền số và phân tích chuỗi khối để vẽ nên bản đồ mạng lưới giao dịch tiền số trên các mạng tội phạm trên toàn thế giới.
Công lớn trong bước tiến này là nhờ việc tổng hợp dữ liệu thu được từ các cuộc điều tra trước đó, bao gồm cả trường hợp của Silk Road.
Theo Sở Thuế vụ (IRS), chỉ trong 2 năm qua, nước Mỹ đã thu giữ hơn 10 tỷ USD tiền số thông qua các vụ truy tố thành công bằng cách theo dõi dòng tiền. Thay vì phải gửi trát hầu tòa tới các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, các điều tra viên giờ đã có thể xem xét blockchain và phân tích về đường đi của tiền số.
Để làm được điều này, các điều tra viên của chính phủ đã khai thác một tính năng chung của Bitcoin và nhiều loại tiền số khác: Mọi giao dịch đều được lưu trữ vĩnh viễn trong sổ cái của blockchain và mọi người đều có thể truy cập.
Kể từ vụ trộm của Zhong, giới chức và các công ty tư nhân đã tích cực biên soạn tài liệu về địa chỉ blockchain để hỗ trợ IRS, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng các chính quyền tiểu bang và địa phương khi điều tra tội phạm mạng.
Công ty phân tích chuỗi khối Chainalysis khẳng định đã vẽ thành công bản đồ hơn một tỷ địa chỉ ví, phân loại các tài khoản hợp pháp và đáng ngờ, đồng thời xác định chính xác các sàn giao dịch cho phép chuyển tiền số thành tiền mặt.
“Nếu có một điều gì đó mà blockchain thực sự có tích thì đó là việc lưu giữ bằng chứng một cách hoàn hảo”, Jonathan Levin, một điều tra viên về tiền số và cũng là một trong những người sáng lập Chainalysis cho biết.
Nhờ sử dụng các kỹ thuật theo dõi blockchain, giới điều tra liên bang đã liên tiếp phá nhiều vụ lớn như Welcome to Video - mạng lưới khiêu dâm trẻ em lớn nhất thế giới, đánh sập quỹ tài trợ cho các tổ chức hay vụ thu giữ tiền số lớn nhất trong lịch sử trị giá 3,6 tỷ USD từ cặp vợ chồng ở New York hồi năm 2016.
Với mỗi vụ án được phá thành công, ngày càng có thêm nhiều tài khoản của tội phạm được thêm vào bản đồ giao dịch blockchain của chính phủ.
Bên cạnh việc phá án, tiến bộ lớn nhất của công cụ này này là khiến tội phạm mạng gặp khó khăn khi chuyển đổi chiến lợi phẩm của chúng thành tiền mặt. Hiện không có sàn giao dịch tiền số hợp pháp nào chấp nhận địa chỉ ví có kết nối với tội phạm mạng bị giới chức công bố.