Theo đó, thông tin tới MarketTimes, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cho rằng bối cảnh thực tiễn và các quy định hiện hành đang đặt ra vấn đề nếu xây dựng nhà ở xã hội với việc chi phí tạo lập quỹ đất (dù được miễn tiền sử dụng đất) và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất nhà ở xã hội (đối với dự án nhà ở xã hội hình thành trên quỹ đất 20% diện tích dự án nhà ở thương mại) là rất cao.
“Với việc chi phí đầu vào cao sẽ dẫn đến giá thành, giá bán căn hộ tại TP.HCM có thể lên đến mức xấp xỉ 40 triệu đồng/m2”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Theo ông Châu, mức giá 40 triệu đồng/m2 nhà ở xã hội sẽ vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, nếu nhà ở xã hội ở ngay cạnh nhà ở thương mại thì người mua nhà ở xã hội ở các dự án còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ hàng tháng cao do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp.
Từ tính toán trên, vị Chủ tịch HOREA cho rằng không bỏ quy định dành 20% quỹ đất bắt buộc tại các dự án nhà ở thương mại, chắc chắn rất nhiều người dân sẽ không có khả năng mua nhà do vượt quá thu nhập tích lũy.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, vừa qua, HOREA cũng đã có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, HoREA đánh giá việc Dự thảo Luật Nhà ở đang được lấy ý kiến đóng góp bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô diện tích từ 10 héc-ta (hoặc 2 héc-ta) phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Thay vào đó, bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là hợp lý.
Theo HOREA, việc bỏ quy định trên là hợp lý góp phần giải quyết tình trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập người lao động, trung bình trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu/m2 và không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội, nhất là tại các dự án nhà ở cao cấp, trung cấp.
“Tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong 5 năm qua cho thấy, chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở mới”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Thực tế tại TPHCM cho thấy, cả năm 2022 chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành và đưa vào sử dụng là dự án Khu nhà ở xã hội Bình Trưng Đông tại thành phố Thủ Đức. Giá nhà ở xã hội tại TP.HCM cũng đang ở mức cao, có xu hướng tiệm cận với giá nhà ở thương mại.
Liên quan đến quỹ đất 20%, mới đây Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhằm xử lý triệt để những bất cập liên quan đến quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5-2023 và thông qua tại kỳ họp tháng 10-2023.