Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp và Sở Xây dựng TP.HCM ngày 24/6, ông Lê Hoàng Châu cho biết có nhiều dự án nhà ở xã hội bị ngưng trệ nhiều năm vì vướng chỉ tiêu ưu đãi. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội được tăng 1,5 lần hệ số sử dụng đất và tăng 1,5 lần mật độ xây dựng. Điều này cho phép dự án gia tăng quy mô dân số. Tuy nhiên thực tế, các dự án lại bị giới hạn bởi chỉ tiêu dân số của khu vực.
"Đây là câu chuyện con gà - quả trứng làm 'tắc' các dự án nhà ở xã hội. Phải xét chỉ tiêu dân số này theo nguyên tắc bình thông nhau, bởi rõ ràng TP.HCM đang có hàng triệu người dân cần mua nhà ở xã hội. Một người ở quận 6 nên được mua nhà ở xã hội ở Bình Chánh, khi đó tổng quy mô dân số của TP không đổi, nhưng nếu áp dụng cụ thể theo địa bàn xã thì đã hết chỉ tiêu dân số để phê duyệt dự án", ông Châu nêu rõ.
Trả lời về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận cái khó nhất hiện nay là cân đối tiện ích công cộng với quá trình tăng quy mô dân số. Ví dụ, muốn đưa thêm 1.000 người dân về sinh sống thì cần có thêm 2.000 m2 cây xanh và 210 chỗ học, tương ứng 2.100 m2 đất làm trường học ở các quận nội thành phát triển như TP Thủ Đức.
"Tuy nhiên thực tế các dự án nhà ở đâu lo thêm phần cây xanh và trường học. Trước đây, các doanh nghiệp làm nhà ở sẽ đóng góp vào quỹ để cùng Nhà nước bồi thường đất làm tiện ích công cộng, nhưng hiện nay không còn quy định này. Do đó rất khó nén các dự án vào những khu vực đã đủ quy mô dân số", ông Khiết phân tích.
Ông cho biết để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của người dân, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đang trình UBND TP về điều chỉnh quy hoạch theo hướng "bình thông nhau" như vậy, trên cơ sở đảm bảo hạ tầng và tiện ích. Còn Sở Xây dựng đề xuất vẫn phê duyệt các dự án làm tăng quy mô dân số không quá 20%.
"Định hướng của TP.HCM là phát triển về các khu vực nội thành phát triển như TP Thủ Đức, dọc metro, các khu vực vùng ven, các huyện còn có quỹ đất để có thể bố trí công trình công cộng, cây xanh..., còn các khu vực trung tâm thì tập trung chỉnh trang đô thị chứ không phát triển các khu dân cư mới. Sau này khi hoàn thiện các hạ tầng tương lai sẽ xem xét điều chỉnh lại nếu cần thiết", ông Khiết nói thêm.