Trong báo cáo này, HSBC cho rằng khó khăn vẫn bủa vây nền kinh tế trong bối cảnh GDP quý I không khả quan. Các chuyên gia tại đây nhận định Việt Nam là quốc gia chịu tác động lớn từ chu kỳ thương mại toàn cầu, vì vậy những khó khăn ngoại cảnh đã làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Trong tháng 4, xuất khẩu tiếp tục giảm ở mức hai con số và thấp hơn 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khó khăn này đều diễn ra trên diện rộng. Trong đó, các ngành xuất khẩu chịu sự sụt giảm lớn bao gồm dệt may, giày dép, điện thoại thông minh và đồ nội thất, gỗ.
Điểm sáng lúc này là ngành dịch vụ vẫn đón nhận các thông tin tích cực. Việt Nam đón gần 1 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 4, chủ yếu nhờ lượng khách Trung Quốc tăng 70% so với tháng trước đó.
Sự phục hồi này xuất phát từ việc những hạn chế bay đã bị dỡ bỏ và Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các điểm đến tổ chức du lịch theo đoàn từ giữa tháng 3.
Dẫu vậy, lượng khách du lịch Trung Quốc vẫn đang phục hồi với tốc độ chậm. Mức độ phục hồi đến nay chỉ đạt 25% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nguồn khách du lịch từ Hàn Quốc đã hồi phục đến 77%.
"Mặc dù ngành du lịch có hỗ trợ một phần, nhưng sự hồi phục của ngành vẫn còn chậm, và chưa đủ để bù đắp những thách thức trong năm nay", báo cáo của HSBC nhấn mạnh.
Thực tế, đơn vị này cho rằng trở ngại tăng trưởng vẫn hiện diện khi tín dụng tăng trưởng chậm. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14-15% và việc Ngân hàng Nhà nước hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong tháng 3, tín dụng chỉ tăng khoảng 2% vào giữa tháng 4.
Mức tăng trưởng này chỉ đạt một nửa so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy nền kinh tế vẫn còn những mối quan ngại nhất định.
Căn cứ vào tình hình trên, các cơ quan chức năng đã đưa ra một loạt hỗ trợ chính sách, như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, giảm 2% thuế VAT cho đến cuối năm 2023 và kế hoạch tái cấu trúc một số khoản vay.
HSBC cho rằng đã xuất hiện một số dấu hiệu ban đầu về việc nới lỏng lập trường chính sách đối với ngành bất động sản - lĩnh vực đối mặt với khủng hoảng thanh khoản từ tháng 10 năm ngoái.
Theo đơn vị này, dù tăng trưởng có chậm lại, nhưng áp lực lạm phát giảm đi đã giúp các nhà hoạch định chính sách dễ thở hơn. Lạm phát toàn phần trong tháng 4 giảm 0,3% so với tháng trước đó, giúp lạm phát cùng kỳ năm chỉ ở mức 2,8%, thấp hơn nhiều so với trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.
Nhìn chung, các chuyên gia của HSBC đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong quý II.
“Dù khả năng tăng trưởng suy giảm trong nửa đầu năm 2023, chúng tôi vẫn kỳ vọng ngành dịch vụ được thúc đẩy mạnh mẽ và làn sóng thương mại sẽ chuyển hướng trong nửa cuối năm, đưa tăng trưởng cả năm 2023 đạt mức 5,2%”, báo cáo của HSBC nêu rõ.