"Là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch, Việt Nam đang được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau Covid-19.
Chúng tôi dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay", ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán tại HSBC Việt Nam, đưa ra nhận định trong một bài viết mới đây.
Những động lực tăng trưởng
Thực tế, cách đây vài ngày, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam từ mức 6,6% lên 6,9%. Sau những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, ông Khoa cho rằng triển vọng nửa cuối năm sẽ tiếp tục tươi sáng.
Trong đó, một trong những động lực quan trọng nhất là mức độ thu hút FDI của Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Đến nay, Việt Nam một trong hai thành viên nổi bật nhất trong khối ASEAN xét về tỷ trọng FDI trên GDP.
Mặc dù có lúc đại dịch khiến sản xuất tạm thời gián đoạn, lần lượt các "ông lớn" vẫn đổ xô đến Việt Nam, như Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD ở Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Trong khi đó, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam.
"Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng", ông Ngô Đăng Khoa nhận xét.
Mặt khác, việc mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3 cũng đóng vai trò quan trọng với sự phục hồi của ngành dịch vụ. Nửa đầu năm, Việt Nam đón 602.000 lượt khách quốc tế, gấp 6,8 lần cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 11,7%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 7,9%, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 1,9%.
"Những cơn gió ngược chiều"
Tuy nhiên, bên cạnh những động lực này, ông chỉ ra vẫn có một số yếu tố có khả năng cản trở sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, giá năng lượng thế giới tăng cao là rủi ro lớn nhất, có thể tác động xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam.
"Mặc dù xuất khẩu vững mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp lại dẫn đến mức thặng dư khiêm tốn chỉ 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, bào mòn lợi thế của tài khoản vãng lai, tạo áp lực lên đồng VND. Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ thâm hụt tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp mặc dù mức độ thâm hụt sẽ ít hơn so với năm 2021", ông nhấn mạnh.
Mặt khác, ông lưu ý tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ, trong khi gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó về nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Thực tế, 6 tháng đầu năm nay, 94% kim ngạch nhập khẩu đến từ nhóm hàng tư liệu sản xuất, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ nước này, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%).
Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ là "cơn gió ngược chiều" cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Về dài hạn, vị chuyên gia tại HSBC đánh giá FDI "xanh" sẽ là xu hướng tương lai, và Việt Nam nên tiếp cận thị trường vốn quốc tế cho phát triển xanh để tạo nên sự tăng trưởng bền vững.
"Hiện tại vốn quốc tế cho phát triển xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo, vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, nhà tài trợ còn dè dặt do hợp đồng mua bán điện chưa đủ vững để tài trợ và môi trường pháp lý để tái tài trợ các dự án đã vận hành ổn định còn nhiều giới hạn.
Chính phủ sẽ cần cân nhắc đẩy mạnh việc tạo ra môi trường thông thoáng về cơ chế và quy định pháp luật để có thể tận dụng hiệu quả được nguồn vốn quốc tế cho phát triển xanh của quốc gia", ông Ngô Đăng Khoa gợi ý.