Hiệp hội lớn nhất của các công ty chip toàn cầu cảnh báo Huawei Technologu đang xây dựng một tập hợp các cơ sở chế tạo chất bán dẫn bí mật trên khắp Trung Quốc, một mạng lưới ngầm sẽ cho phép công ty nằm trong trong “danh sách đen” lách lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy tham vọng tự chủ về chip của Trung Quốc.
Hiệp hội công nghiệp bán dẫn (SIA) bao gồm các nhà sản xuất chip hàng đầu thế gồm Intel, Samsung, TSMC và một số hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip như Applied Materials hay ASML của Hà Lan.
Huawei đang nhận một khoản "tài trợ" trị giá 30 tỷ USD từ nhà nước Trung Quốc và thành phố Thâm Quyến, theo SIA. Họ đã mua ít nhất 2 nhà máy và xây dựng ít nhất 3 nhà máy khác.
Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào tháng 10 năm ngoái để ngăn tất cả công ty Trung Quốc mua một số chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chip. Các công ty Trung Quốc phần lớn được phép mua thiết bị sản xuất chip thế hệ cũ, sử dụng công nghệ 28 nm trở lên. Nhưng những công ty nằm trong “danh sách đen” như Huawei thậm chí bị cấm mua các các thiết bị cũ nếu không có giấy phép.
Trung Quốc đang đổ số tiền chưa từng có vào ngành bán dẫn trong nước. SIA ước tính có ít nhất 23 cơ sở chế tạo chip đang hoạt động tại nước này với khoảng đầu tư dự kiến hơn 100 tỷ USD đến năm 2023. SIA cho hay đến năm 2029 hoặc 2030, Trung Quốc có thể đạt được hơn 1 nửa công suất toàn cầu của ngành về chất bán dẫn công nghệ cũ (28 hoặc 45 mm).
Quy mô của gói hỗ trợ tài chính cho Huawei, do đó, được xem là đáng kinh ngạc. SIA mô tả số tiền này là “tài trợ”, mà không nói rõ đó có phải là trợ cấp tiền mặt, khoản vay hay các ưu đãi.
SIA xác định 5 nhà máy sản xuất chip mà Huawei đang hỗ trợ dưới tên công ty khác, chủ yếu đặt ở Thâm Quyến. Nếu các cơ sở này hoạt động không có nhãn Huawei, nhà cung cấp có thể khó biết họ đang giao dịch với ai.
Chẳng hạn Huawei đã mua lại các cơ sở chế tạo (gọi là fab) từ Fujian Jinhua và 1 công ty có tên Qingdao Si’En. Họ cũng giúp xây dựng các nhà máy với các công ty như PXW và PST.
Hiện tại, các cơ sở của Trung Quốc chỉ có thể sản xuất chip công nghệ cũ nhưng Mỹ lo ngại về một rủi ro dài hạn. Theo đó, các công ty này có thể sử dụng các khoản đầu tư vào công nghệ thế hệ cũ để xây dựng kiến thức và chuyên môn về sản xuất chất bán dẫn.
Với đủ kinh nghiệm và khối lượng sản xuất, một công ty có năng lực kỹ thuật như Huawei có thể phát triển các chất bán dẫn phức tạp hơn. Đó là con đường mà TSMC và Samsung đã đi. Họ từng bị coi là không có cơ hội đuổi kịp Intel nhưng giờ đây sau nhiều thập kỷ làm việc, họ đang dẫn đầu ngành sản xuất với những con chip ngày càng tinh vi, hiện đại hơn.