Theo SCMP, Huawei có thể tăng gấp đôi doanh thu từ bằng sáng chế thông qua thỏa thuận cấp phép với các công ty nước ngoài. Đây là nguồn lực quan trọng trong giai đoạn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cố gắng tìm kiếm nguồn doanh thu mới.
Từ sau lệnh trừng phạt của Mỹ, hoạt động kinh doanh smartphone, mảng sinh lợi quan trọng trong giai đoạn trước đây của Huawei, gần như tê liệt.
Nguồn thu hàng tỷ USD
Hôm 23/12, Huawei gia hạn thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế với hãng viễn thông Phần Lan Nokia nhưng không tiết lộ các điều khoản chi tiết của thỏa thuận. Trước đây, 2 nhà sản xuất thiết bị mạng đã ký một hợp đồng cấp phép vào năm 2017.
Theo công bố của Huawei, trong năm nay tập đoàn đã ký hơn 20 thỏa thuận cấp phép sáng chế mới hoặc thỏa thuận mở rộng với các đối tác hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm smartphone, ôtô và viễn thông.
"Chúng tôi rất vui khi thấy các công nghệ của mình đang hỗ trợ ngành ôtô và các ngành dọc khác trong quá trình số hóa của họ", Alan Fan, người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ của Huawei cho biết. Ông cho biết thêm, tiền bản quyền mà Huawei nhận được sẽ đầu tư trở lại cho các kế hoạch nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei.
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, cũng từng là công ty sản xuất smartphone lớn nhất của Trung Quốc. Kể từ khi bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận hồi năm 2019, họ đã mở rộng các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế trong nỗ lực tìm kiếm các nguồn thu mới.
Năm 2021, doanh thu của Huawei đạt 100 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng, bao gồm smartphone giảm đến 50%.
Trên lĩnh vực ôtô, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã đạt được thỏa thuận bản quyền với 15 nhà sản xuất trên toàn cầu, bao gồm Audi, Mercedes-Benz và BMW. Theo ước tính của Huawei, khoảng 15 triệu ôtô được kết nối trên toàn thế giới sẽ được hưởng lợi từ các bằng sáng chế của Huawei trong năm nay, tăng gần gấp đôi so với 8 triệu chiếc vào năm 2021.
Dẫn đầu về R&D
Thỏa thuận mới với Nokia được thực hiện sau khi Huawei ký hợp đồng cấp phép chéo với Oppo, một trong những thương hiệu smartphone hàng đầu của Trung Quốc và là đối thủ cũ của Huawei về các công nghệ di động bao gồm cả 5G.
Trong một ghi chú nội bộ được tiết lộ vào tháng 4, nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi, yêu cầu nhóm sở hữu trí tuệ tăng cường nỗ lực biến kho bằng sáng chế khổng lồ trở thành doanh thu thông qua việc xác định "giá cả hợp lý" và "tạo ra lợi nhuận phù hợp" cho các khoản đầu tư R&D.
Tổng doanh thu từ việc cấp phép bằng sáng chế của Huawei đạt khoảng 1,3 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021. Năm ngoái, lần đầu tiên thu nhập từ tiền bản quyền của công ty cao hơn chi phí phải trả để sử dụng sáng chế công nghệ của đối tác.
Tuy nhiên, Fan cho biết công ty không coi việc cấp phép sở hữu trí tuệ là một hoạt động kinh doanh hoặc dựa vào nó như một nguồn doanh thu chính.
Trong năm 2021, Huawei đã nộp 6.952 đơn xin cấp bằng sáng chế, tăng 27% so với năm trước, thông qua Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT). Con số kỉ lục này giúp Huawei trở thành công ty nộp hồ sơ PCT lớn nhất thế giới trong 5 năm liên tiếp.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc vào đầu tháng 12, Huawei đứng đầu danh sách các công ty tư nhân được cấp bằng sáng chế nhiều nhất năm 2021, tiếp theo là gã khổng lồ Internet Tencent Holdings và hãng sản xuất điện thoại Oppo.