Nhận diện đúng vai trò để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lành mạnh, minh bạch, ổn định; đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn hiệu quả và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu là nội dung chính được bàn thảo tại Diễn đàn “Phát triển Thị trường trái phiếu Doanh nghiệp hiệu quả và bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây.
Vai trò kênh dẫn vốn trung - dài hạn
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI nhìn nhận, thị trường vốn luôn có vai trò chủ đạo và thị trường TPDN có vai trò quan trọng, là kênh tài trợ vốn vay trung - dài hạn cho tổ chức kinh tế. Qua đó, thị trường vốn giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng.
Trong 5 năm gần đây, thị trường TPDN Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng đại diện VCCI cũng cho hay, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP - thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP)...
Thông tin thêm tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính Tiền tệ Quốc gia dẫn số liệu của ADB: đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 37,4% GDP, trong đó dư nợ TPDN tương đương 14,8% GDP.
Theo ông Lực, dư địa để phát triển thị trường TPDN là rất lớn bởi nhu cầu vốn trung dài hạn trong nền kinh tế là rất nhiều. Song những năm gần đây thị trường TPDN phát triển nóng nên buộc phải nhìn nhận lại câu chuyện kiểm soát.
Thực tế, trong bốn tháng đầu năm nay, quy mô phát hành TPDN đã giảm, đặc biệt TPDN do các doanh nghiệp BĐS phát hành giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái đã cho thấy thị trường dần được được kiểm soát chặt chẽ và đã giảm nhiệt.
Nhận định về việc hệ thống NHTM vẫn đang quá tải trong cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng. Do vậy, điều tiết thị trường này ra sao để phát triển lành mạnh hơn là việc cần bàn.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Uỷ viên Ban thường trực VCCI, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, làm sao để thúc đẩy kênh TPDN phát triển thuận lợi và bền vững mới là quan trọng. Còn nếu chỉ tập trung vào kiểm soát không thôi sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp và với cả nền kinh tế.
Lành mạnh hoá thị trường
Để góp phần giúp thị trường TPDN phát triển hiệu quả và bền vững hơn, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, khung thể chế cần nhìn rộng hơn, đồng vốn dẫn vào doanh nghiệp quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết là năng lực hấp thụ như thế nào.
Ông Hiếu khuyến nghị: Chính phủ cho xem xét, rà soát Điều 11 của Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu như nâng được chất lượng thực sự của NĐT chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có lợi ích rất dài hạn và đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách.
Ngoài ra, ông Hiếu nhấn mạnh tới vai trò của việc quản trị, bởi nếu làm tốt sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong dài hạn, quyết định lớn đến năng lực kinh doanh của doanh nghiệp, tăng năng lực hấp thụ vốn và giảm gánh nặng cho nhà lập pháp…
“Trước khi có các giải pháp khác, việc thực thi ngay các giải pháp hiện có là rất quan trọng, trong đó có việc tập trung thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022”, ông Hiếu lưu ý.
Bên cạnh những vấn đề của thị trường trái phiếu riêng lẻ như TPDN tăng trưởng nhanh, phát sinh rủi ro, tiêu chuẩn doanh nghiệp phát hành chưa cao, tình hình tài chính doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng một số chính sách liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu riêng lẻ còn bất cập.
Theo ông Tuấn, dự thảo lần 5 Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về vấn đề phát hành TPDN đã quy định ba điều kiện với tổ chức phát hành gồm: kết quả kinh doanh năm trước có lãi; tổng dư nợ trái phiếu không vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu; và có tài sản bảo đảm nếu tổng dư nợ trái phiếu vượt quá vốn chủ sở hữu. Còn điều kiện với nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán.
Ông Tuấn cho rằng, những quy định này có thể tạo ra nguy cơ khoá chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ, chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt như kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn… hoặc các hình thực hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức.
Trao đổi tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cách tiếp cận trong xây dựng chính sách quản lý phải được nhìn nhận theo hướng vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro.
Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, tập trung sửa đổi Nghị định 153/NĐ-CP (2020) về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị định 156 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, rà soát Luật Chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó có nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản bảo đảm, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu…
Chuyên gia này nhìn nhận, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp NĐT dễ dàng xác định được chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. Trong đó, nhấn mạnh việc cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.
“Cần hoàn thiện hạ tầng thị trường TPDN như thiết lập thị trường thứ cấp đối với TPDN, quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, nâng cấp hạ tầng CNTT, cơ sở dữ liệu… Đồng thời tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như là một chuẩn định hạng đối với TPDN”, ông Lực nêu quan điểm.