Những xu hướng bất động sản bán lẻ trong thập kỷ tới sẽ tạo nên nhiều thay đổi mạnh mẽ đối với cách thị trường vẫn luôn sử dụng và thiết kế không gian cũng như nhóm khách thuê truyền thống.
Trung tâm bán lẻ đa tiện ích
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã khiến nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ giảm mạnh so với trước kia hoặc chỉ thuê với diện tích nhỏ nhằm tiết giảm chi phí.
Trước xu hướng đó, các chuyên gia về bán lẻ của Savills dự báo, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những trung tâm thương mại cung cấp đa dạng các loại tiện ích, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ dân sự thay vì những nơi bán lẻ đơn thuần.
“Việc kết hợp nhiều mục đích sử dụng để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng sẽ giúp bất động sản hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy lượng khách đến cũng như tạo ra những không gian thú vị và hữu ích hơn”, ông Tom Whittington, Giám đốc Nghiên cứu bán lẻ Savills Anh Quốc, phân tích.
Theo ông Tom Whittington, tại Anh, các cửa hàng bán lẻ trong thời gian tới sẽ cần giảm mức sử dụng và cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng của tòa nhà bởi nhóm này đang đóng góp 20% lượng khí thải của các công trình phi nhà ở (non-domestic property).
Việc phát triển các dự án với những cải tiến về yếu tố xã hội, môi trường và kinh tế sẽ tạo nên những công trình bền vững hơn và điều này sẽ được minh chứng theo thời gian.
“Vận hành đa mục đích giúp tăng sự bền vững, doanh thu ổn định cũng như nhiều không gian hấp dẫn. Nhiều minh chứng cho thấy việc có tầm nhìn xây dựng bất động sản hướng về xã hội và “xanh” hơn sẽ tạo nên những không gian tốt hơn, giúp người tiêu dùng trung thành hơn”, ông Tom Whittington, nhấn mạnh.
Trung tâm mua sắm Funan tại Singapore. Nguồn: Woods Bagot.
Bên cạnh đó, dự án này cũng được áp dụng nhiều biện pháp xanh trong thiết kế để giảm phát thải carbon, tái tạo năng lượng, thúc đẩy đa dạng sinh học, giao thông bền vững, hệ thống mái xanh (Green roofs) và sản xuất lương thực đô thị.
Tại Anh, một số doanh nghiệp cũng đã đưa ra những lựa chọn táo bạo để thay đổi như Trung tâm mua sắm Castlegate ở Stockton. Dự án này đã được chuyển đổi thành một công viên công cộng.
Điều này cho thấy khi sự thay đổi mục đích sử dụng của các trung tâm bán lẻ tại đô thị lớn, đưa những lựa chọn phi bán lẻ (non-retail uses) vào dự án. Việc cải thiện các khía cạnh xã hội và môi trường trong bất động sản sẽ giúp thu hút người dân và góp phần thúc đẩy những giá trị về kinh tế khác.
Tăng mua sắm trong không gian "xanh"
Savills ghi nhận ngày càng nhiều chủ đầu tư trên khắp thế giới đang đưa ESG trở thành yếu tố trung tâm trong chiến lược của họ. Trong tương lai, các doanh nghiệp không đặt ESG là vấn đề ưu tiên có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và nhóm người dùng cuối, từ đó gây kìm hãm sự tăng trưởng.
Nhiều chủ trung tâm bán lẻ lớn cũng thừa nhận các dự án đảm bảo tiêu chuẩn bền vững hoạt động tốt hơn tài sản thông thường.
Vậy câu hỏi đặt ra với các dự án bán lẻ cũ là làm thế nào để nhận được những đánh giá tích cực các nhà đầu tư và người tiêu dùng?
Theo ông Tom Whittington, mục tiêu quan trọng nhất cần thực hiện là giảm mức tiêu thụ năng lượng. Việc giảm 20% năng lượng tiêu thụ tương đương với tăng 5% tổng doanh thu, đây có thể xem là một mũi tên trúng hai đích, vừa có lợi về mặt tài chính vừa có những tác động tích cực lên môi trường.
Mỗi không gian bán lẻ không nhất thiết “chỉ dành cho bán lẻ” mà cần có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, người lao động cũng như dân cư của khu vực đó.
Theo quan sát của Savills, tương lai của đầu tư và phát triển bán lẻ tốt là sự bền vững về kinh tế và môi trường phải là hai mặt của cùng một đồng tiền.
Tại Việt Nam, các dự án bán lẻ vẫn chưa quá được chủ đầu tư chú trọng về các yếu tố ESG, song nhiều tiện ích về không gian xanh cũng được bố trí trong thiết kế để khách hàng trải nghiệm khi mua sắm.
“Người mua sắm và cộng đồng thích không gian xanh hơn, sạch hơn và họ sẽ trung thành hơn khi các cải tiến về giá trị xã hội và môi trường được thực hiện”, Giám đốc Nghiên cứu bán lẻ Savills Anh Quốc, nhận định.