Nội dung chính:
- Xây dựng Hòa Bình cho biết sẽ tiếp tục lỗ trong năm 2023, vì chưa chuyển nhượng được công ty con Matec, “hụt” khoản thu khoảng 1.100 tỷ đồng.
- Hòa Bình vẫn đang ráo riết thực hiện các giải pháp cải thiện dòng tiền, bao gồm thu hồi nợ, hoán đổi nợ thành cổ phần, thanh lý tài sản…
- Mục tiêu doanh thu sau 5 năm ra nước ngoài lên đến 1 tỷ USD, bằng với mục tiêu doanh thu trong nước.
Chiều ngày 17/10, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình - HoSE: HBC) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 để thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cùng một số nội dung khác. Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022.
Chưa thanh lý được công ty con, tiếp tục lỗ trong năm 2023
Tại buổi họp, ông Lê Viết Hiếu, Phó chủ tịch HĐQT Hòa Bình, cho biết công ty vẫn chưa chuyển nhượng được cổ phần tại công ty con Matec do đối tác “gặp khó khăn trong vấn đề xoay xở tài chính”. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Hòa Bình có thể sẽ tiếp tục thua lỗ trong năm 2023.
Trước đó, vào tháng 6/2023, Hòa Bình công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Matec (công ty con Hòa Bình sở hữu 100% vốn) cho đối tác. Lãnh đạo công ty cũng cho biết giá trị thương vụ khoảng 1.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại báo cáo bán niên soát xét của Hòa Bình, công ty cho biết thương vụ vẫn chưa hoàn tất. Do đó, báo cáo tài chính của Hòa Bình vẫn chưa ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ thanh lý tài sản/công ty con. Nửa đầu năm 2023, Hòa Bình lỗ hơn 700 tỷ đồng.
Để có lãi năm 2023, Hòa Bình buộc phải có lãi hơn 700 tỷ đồng trong nửa cuối năm. Trong tình hình thanh lý tài sản chưa thuận lợi, việc có lãi càng trở nên xa vời.
Một loạt giải pháp cải thiện dòng tiền
Hiện nay, tổng nợ phải thu ngắn hạn của Hòa Bình là 9.191 tỷ đồng, trong đó 10 “con nợ” lớn nhất là các doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland, Vingroup, Sun Group, Sunshine, Gamuda, CocoBay... Với hiệu quả thu hồi công nợ như hiện nay, lãnh đạo công ty cho biết dự kiến quý IV này có thể thu thêm 2.836 tỷ đồng và đến Tết Nguyên Đán có thể thu hơn 4.400 tỷ.
Hòa Bình cũng đang đẩy nhanh tiến độ thu hồi công nợ. Chia sẻ tại cuộc họp, lãnh đạo công ty cho biết riêng trong tháng 7 và tháng 8, dòng tiền thu về đã cải thiện đáng kể, tăng 40-50% so với những tháng trước. Trung bình công ty thu về 150-200 tỷ/tháng.
Song song với việc thu hồi công nợ mới, Hòa Bình cũng là một trong những doanh nghiệp “đòi nợ” gắt gao nhất khi khởi kiện một loạt đối tác. Hòa Bình đang có tổng cộng 26 vụ thu hồi nợ, trong đó 12 vụ đã kiện và hầu hết đều thắng kiện.
Đơn cử, công ty vừa thu về toàn bộ số công nợ từ FLC với số tiền hơn 304 tỷ đồng sau gần 3 năm thắng kiện. Công ty cũng vừa thông báo thắng kiện 2 đối tác với số công nợ sẽ thu hồi 262 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Lê Văn Nam cũng cho biết bên cạnh việc thu hồi nợ, Hòa Bình cũng đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng một số dự án bất động sản, giảm áp lực dòng tiền.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho biết sắp tới sẽ chi ra ít hơn, vì đã hoán đổi 1 phần công nợ với nhà thầu cung cấp.
Tính đến ngày 16/10/2023, đã có 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu đạt giá trị tương đương 405 tỷ đồng với giá phát hành 12.000 đồng/cp. Từ việc hoán đổi nợ này, các đối tác sẽ trở thành cổ đông của Hòa Bình.
Dự kiến thành lập công ty con tại Châu Phi, “noi gương” Viettel
Chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh trong những năm tới, ban lãnh đạo Tập đoàn Hoà Bình cho biết sẽ ưu tiên phát triển thị trường nước ngoài với mục tiêu doanh thu sau 5 năm lên đến 1 tỷ USD, bằng với mục tiêu doanh thu trong nước.
Trong đó, Châu Phi là thị trường tiềm năng nhất bởi việc thi công quản lý xây dựng ở đây vẫn còn kém phát triển, giống như Việt Nam cách đây 40 năm. Ông Lê Viết Hải tự tin rằng doanh nghiệp có nhiều tiềm năng để đáp ứng thị trường này từ vật liệu xây dựng cho đến nhân công.
"Châu Phi rất tiềm năng, chúng tôi quyết tâm thực hiện nó, có thể làm một HBC Châu Phi, giống như Viettel Viettel làm được, Hòa Bình cũng làm được", ông Lê Văn Nam bổ sung.
Mặt khác, ông Nam cho rằng thị trường Úc và Mỹ là thị trường đòi hỏi kỹ thuật và đòi hỏi pháp lý cao, nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đưa công nhân sang. Tuy nhiên, đây lại là thị trường đem lại lợi nhuận rất cao do chênh lệch về giá 5-8 lần. "Nếu vượt ra được những rào cản trên chúng ta sẽ đem đến lợi nhuận cao", ông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thị trường trong nước gặp khó, không chỉ Xây dựng Hòa Bình mà một nhà thầu có tên tuổi khác là Coteccons cũng muốn tìm đường “xuất ngoại”.
Tại buổi họp hội đồng cổ đông cùng ngày, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết doanh nghiệp có kế hoạch nâng tầm tiêu chuẩn xây dựng lên tầm quốc tế.
"Hiện nay, một khách hàng lớn ở Việt Nam đã vươn ra 3 nước, vì vậy, chúng tôi kỳ vọng khách hàng này sẽ giao cho công ty dự án ở nước ngoài. Ngoài ra, công ty cũng có khách hàng khác họ có đánh tiếng khi họ ra nước ngoài sẽ muốn cùng công ty ra thị trường nước ngoài", ông nói.