Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai đang tăng cường khả năng sản xuất, đồng thời nhắm mục tiêu trở thành một trong ba nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới vào năm 2030. Hoạt động đầu tư đang được cải thiện mạnh mẽ nhằm nghiên cứu, phát triển và xây dựng các nhà máy giúp mở rộng dây chuyền EV và năng lực sản xuất.
“Chúng tôi đang phát triển thêm 2 nền tảng nữa và dự kiến ra mắt 18 mẫu xe vào năm 2030. Chúng tôi đặt mục tiêu bán 2 triệu chiếc xe điện mỗi năm vào năm 2030”, giám đốc điều hành Hyundai Jaehoon Chang nói với CNBC.
Được biết, các sản phẩm xe điện của hãng hiện đang được phát triển dựa trên nền tảng EV tiên tiến E-GMP. Mẫu crossover SUV Ioniq 5 2021 là mẫu xe đầu tiên trong dòng Ioniq chuyên tập trung vào xe điện và được phát triển dựa trên E-GMP.
“Điều quan trọng là chúng tôi có một nền tảng EV chuyên dụng. E-GMP là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ giúp đảm bảo hiệu suất, độ tin cậy và khả năng sử dụng của xe EV”, Chang nói.
Theo CNBC, Hyundai có kế hoạch giới thiệu các loại xe mới vào năm 2025 dựa trên 2 nền tảng EV là eM và eS. Chúng được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ phát triển các phương tiện hiệu quả hơn và rẻ hơn.
Tập đoàn ô tô Hyundai, sở hữu các thương hiệu bao gồm Hyundai, Kia và Genesis, hồi năm 2022 đã đứng vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng doanh số xe điện toàn cầu của SNE Research. Hãng đã giao 510.000 chiếc EV vào năm ngoái, tăng 40,9% so với năm 2021, xếp sau BYD, Tesla, Volkswagen và Geely.
“Trong ba năm qua, tăng trưởng EBIT của chúng tôi là 50%/năm. Đây là kết quả của loạt sản phẩm chất lượng, đặc biệt là Ioniq 5 và Ioniq 6”, Chang cho biết. “Hyundai có thể tiếp tục đà phát triển. Một dòng EV khác là Ioniq 7 đang được chuẩn bị để ra mắt cho năm tới. Đây là một viễn cảnh ngắn hạn về những gì chúng tôi đang làm”.
Gặp khó khăn, Hyundai lặng lẽ tụt lại phía sau Toyota và Volkswagen để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới tính theo doanh số bán hàng vào năm 2022. Hyundai và Kia đã bán được tổng cộng 6,85 triệu chiếc trên toàn cầu vào năm ngoái, trong khi Toyota bán được gần 10,5 triệu chiếc và Volkswagen bán khoảng 8,26 triệu chiếc.
Theo CNBC, Hyundai ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2023, chủ yếu nhờ thị trường Mỹ và Châu Âu thúc đẩy.
Lợi nhuận ròng đạt 3,42 nghìn tỷ won (2,56 tỷ USD), tăng từ 1,78 nghìn tỷ won cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 30,3 nghìn tỷ won lên 37,78 nghìn tỷ won.
Chia sẻ với CNBC, Hyundai muốn thâm nhập thị trường tiêu dùng của Trung Quốc. “Chúng tôi có một liên doanh ở Trung Quốc và hiện đang nghiên cứu để phát huy tối đa năng lực cạnh tranh tại đây”, Chang nói. “Đầu tiên là tối ưu hóa năng lực hoạt động ở Trung Quốc. Bước tiếp theo là tập trung vào danh mục sản phẩm để hấp dẫn khách hàng địa phương nhờ chức năng phần mềm, thiết kế và phần cứng”.
Ở trong nước, Hyundai hiện có kế hoạch đầu tư 24 nghìn tỷ won vào ngành công nghiệp EV Hàn Quốc. Để cạnh tranh với Tesla và Ford, hãng này cũng đang cho xây dựng một nhà máy EV trị giá 5,5 tỷ USD cùng nhà sản xuất pin SK On ở Georgia, nhằm cung cấp pin cho xe điện Hyundai và Kia được lắp ráp tại Mỹ. Hyundai cho biết, việc sản xuất tế bào pin dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2025 để đạt công suất sản xuất hàng năm là 35 GWh giúp hỗ trợ sản xuất 300.000 xe điện, bắt đầu từ năm 2025.
Khoản đầu tư này cũng đang được thúc đẩy bởi Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ, vốn cung cấp các khoản tín dụng thuế trị giá 7.500 USD nếu phương tiện và pin của chiếc xe điện đó được lắp ráp tại Mỹ.
Ngoài ra, hãng cũng sẽ tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng sạc tốc độ cao để tối đa hóa sự thuận tiện cho khách hàng, song song với kế hoạch mở rộng không ngừng mạng lưới sạc tại Hàn Quốc. Vào tháng 4/2021, tập đoàn này đã ra mắt E-pit, một thương hiệu sạc EV tốc độ cao.
Theo: CNBC