Dự án đầu tư xây dựng Khu Bến cảng Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) do Công ty Cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó khâu giải phóng xong mặt bằng cũng là vấn đề nan giải.
'Mỏi mắt' chờ dự án 14.000 tỷ hoàn thành
Được khởi công xây dựng từ tháng 2/2020, hiện dự án khu bến cảng Mỹ Thủy vẫn chưa triển khai thi công.
Tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần đốc thúc chủ đầu tư đồng thời đưa ra cảnh báo sẽ thu hồi dự án nếu cứ kéo dài tình trạng trì trệ này. Được biết, Tổng mức đầu tư dự án là 14.234 tỷ đồng, gồm vốn góp của nhà đầu tư 2.143 tỷ đồng và vốn huy động từ nguồn khác là 12.091 tỷ đồng.
Quy mô của dự án là 685ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn được đầu tư theo 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2018-2025 đầu tư 4 bến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026-2031 đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng; và giai đoạn 3 từ năm 2032-2036 đầu tư 3 bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng.
Theo tiến độ, giai đoạn 1, dự án cần 133 ha mặt bằng sạch. Hiện nay, UBND huyện Hải Lăng đã thu hồi đất với khối lượng 65,38/133 ha và còn rất nhiều diện tích với nhiều loại đất chưa được thu hồi, đồng thời đến nay chủ đầu tư chưa được bàn giao đất để thực hiện dự án.
Vướng mắc hiện nay của dự án là công tác giải phóng mặt bằng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng.
Tại buổi làm việc ngày 21/2 mới đây, Công ty CP Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ báo cáo về tiến độ thực hiện dự án Khu bến cảng Mỹ Thuỷ đồng thời kiến nghị UBND tỉnh sớm có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và nông thôn để làm rõ một số nội dung liên quan đến quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, đưa vị trí thực hiện dự án ra khỏi khu vực bảo tồn khoáng sản quốc gia.
Theo đại diện UBND tỉnh Quảng Trị, các vướng mắc hiện nay của dự án phần lớn thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương. Vì vậy, các sở, ban ngành, đơn vị tư vấn tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện hồ sơ, trong đó cần vận dụng đúng quy định pháp luật để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Về phía nhà đầu tư sớm lập hồ sơ thi công chi tiết sau khi nhận mặt bằng trình cấp có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Dự án khu công nghiệp vướng mặt bằng
Cùng chung tình cảnh, hiện việc giải phóng mặt bằng một dự án lớn khác là Khu công nghiệp Quảng Trị cũng đang tiến triển chậm.
Được biết, dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 23/3/2021; do 3 nhà đầu tư liên doanh hợp tác thực hiện gồm: Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP JV); CTCP đô thị Amata Biên Hòa (huộc Tập đoàn Amata Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản.
Dự án được thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Lâm và xã Hải Trường, thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với quy mô 481,1ha, tổng vốn đầu tư 2.074 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 97,4 ha - tổng vốn đầu tư 504,39 tỷ đồng.
Ngày 22/2, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức buổi làm việc với UBND huyện Hải Lăng và các ngành chức năng liên quan để tìm giải pháp xử lý các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này.
Theo số liệu tổng hợp từ các đơn vị liên quan, Dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1) có phạm vi thu hồi đất với diện tích 96,1ha ở thị trấn Diên Sanh và xã Hải Trường (huyện Hải Lăng). Trong đó tại thị trấn Diên Sanh đã hoàn thành hồ sơ, phương án giải phóng mặt bằng và trình thẩm định, phê duyệt với diện tích 6,7ha.
Tại xã Hải Trường, đã quy chủ thu hồi đất với diện tích 84,83/89,4ha, còn lại 4,57ha chưa có hồ sơ quy chủ do còn một số hộ dân chưa thống nhất được diện tích và chủ sử dụng đất.
Đến hiện tại, còn khoảng 71,37ha diện tích chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, trong đó 25,86 ha chưa công bố phương án đầu tư do nhà đầu tư và đơn vị tư vấn đo đạc chưa cung cấp hồ sơ quy chủ điều chỉnh loại đất thu hồi.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cho rằng, một số hạng mục đang tồn tại nêu trên là do thực tế còn lúng túng trong việc xác định loại đất, chưa thống nhất phương án đền bù; việc xây dựng các phương án còn chưa sát thực việc khảo sát đánh giá; còn vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…
Phía nhà đầu tư cho rằng, đã chuẩn bị đủ ngân sách để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng. Các thủ tục khác đang phối hợp tích cực với Hội đồng giải phóng mặt bằng và UBND huyện Hải Lăng để sớm thực hiện công tác đền bù, đẩy nhanh tiến độ một cách nhanh nhất để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; tích cực hoàn thiện thủ tục để thuê đất…
Theo kế hoạch, huyện Hải Lăng và hội đồng giải phóng mặt bằng đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, công bố phương án giải phóng mặt bằng, tổ chức họp dân để thống nhất phương án giải phóng mặt bằng, phương án tái định cư cũng đang được tham mưu hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt giá giao đất ở tái định cư và phương án di dời tái định cư trước ngày 03/3/2023.
Ông Hà Sỹ Đồng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh cần giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn tồn tại ở địa phương, phấn đấu trong tháng 3/2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng sạch theo đúng kế hoạch để thực hiện dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1).