Bà Kristalina Georgieva, giám đốc IMF và ông David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) tại cuộc họp thường niên giữa hai tổ chức trong tháng 10.2022. Ảnh: Getty Images
IMF cho biết nền kinh tế toàn cầu đang trải qua nhiều thách thức: lạm phát ở mức cao nhất trong vài thập kỷ gần đây, điều kiện tài chính thắt chặt ở hầu hết các khu vực, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và đại dịch COVID-19 kéo dài.
Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” mới nhất ngày 10.10 (giờ Bắc Mỹ), IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 là 3,2 %, so với mức dự báo hồi tháng Bảy. Tuy nhiên, dự báo cho năm 2023 tụt xuống chỉ còn 2,7%, giảm 0,2 điểm % so với con số đưa ra cách đây ba tháng.
Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001, không tính cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và giai đoạn bùng nổ đại dịch COVID-19.
Dự báo phản ánh sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn nhất: GDP của Mỹ giảm trong nửa đầu năm do lãi suất tăng, còn của khu vực đồng tiền chung euro giảm về cuối năm do chịu ảnh hưởng của giá khí đốt. Trung Quốc đang vật lộn với các đợt bùng phát mới của COVID-19 và khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, dự báo u ám nhất của IMF là khoảng một phần ba các nước trên thế giới phải đối mặt với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau, gây thiệt hại khoảng 4 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2026.
Về lạm phát, IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ tăng vọt từ 4,7% năm 2021 lên 8,8% năm 2022, nhưng giảm xuống 6,5% năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.
Việt Nam và Đông Nam Á là điểm sáng
Nhóm những quốc gia được dự báo triển vọng kinh tế sáng sủa nhất trong năm nay và năm sau bao gồm Ấn Độ, Arab Saudi và 5 nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Việt Nam được IMF dự báo có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất trong các nước Đông Nam Á, 7% vào năm nay và 6,2% trong năm 2023.
Dự báo Việt Nam tăng trưởng GDP năm 2022 và 2023 cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nguồn: IMF
Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng được khống chế ở mức 3,8% năm 2022 và tăng nhẹ lên 3,9% vào năm sau, ở hạng thấp nhất khu vực và trên thế giới.
Dự báo tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam được khống chế ở mức thấp so với khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Nguồn: IMF
IMF đánh giá những triển vọng kể trên còn có thể xấu đi nếu chính phủ các nước tính toán sai lầm trong chính sách tiền tệ. Cụ thể: khác biệt về đường lối chính sách ở các nền kinh tế lớn nhất có thể đẩy tỷ giá đồng USD lên cao hơn nữa và gây căng thẳng lên thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, việc gia tăng các cú sốc về giá năng lượng và thực phẩm có thể khiến lạm phát kéo dài. Gánh nặng nợ ở các thị trường mới nổi nhiều hơn, còn sản lượng công nghiệp ở châu Âu giảm sút do thiếu nguồn cung khí đốt.
Ngoài ra, theo nhận định của IMF, triển vọng nền kinh tế toàn cầu còn phụ thuộc diễn biến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cùng với nguy cơ tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, đặc biệt ở Trung Quốc.