Theo tin từ Reuters, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 2,9%, vẫn giảm so với mức tăng trưởng 3,4% đạt được trong năm 2022, nhưng con số dự báo mới nhất này tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng trưởng 2,7% mà định chế này đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Ở thời điểm đó, IMF cảnh báo nền kinh tế thế giới có thể dễ dàng rơi vào một cuộc suy thoái.
"Thế giới có thể sắp đi đến một bước ngoặt"
Về năm 2024, IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng tốc nhẹ, đạt mức tăng 3,1%. Tuy nhiên, mức dự báo này đã giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10. Lý do mà IMF đưa ra cho việc hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2024 là ảnh hưởng toàn phần của việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất đối với nhu cầu.
Chuyên gia kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas nói rằng rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đã giảm bớt và các ngân hàng trung ương đang đạt tiến bộ trong việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ông Gourinchas cũng nói rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn còn nhiều việc phải làm và những gián đoạn mới có thể xuất hiện nếu xung đột ở Ukraine leo thang hay Trung Quốc phải tái áp các biện pháp chống Covid ngặt nghèo.
“Chúng ta cần phải chuẩn bị cho những tình huống xấu bất ngờ, nhưng thế giới có thể sắp đi đến một bước ngoặt, khi tăng trưởng thoát đáy và lạm phát đi xuống”, ông Gounrinchas nói với báo giới về triển vọng kinh tế năm 2023.
Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,4% trong năm nay, từ mức 1% đưa ra hồi tháng 10, so với mức tăng 2% đạt được trong năm 2022. Theo IMF, tiêu dùng và đầu tư ở Mỹ trong quý 3 năm ngoái mạnh hơn dự báo, cộng thêm thị trường lao động vẫn thắt chặt và tình hình tài chính vững vàng của các hộ gia đình ở nước này.
Định chế có trụ sở ở Washington DC cũng lạc quan hơn về kinh tế châu Âu, dự báo khu vực Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 0,7% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với con số dự báo 0,5% đưa ra hồi tháng 10. Đây vẫn là một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng trưởng 3,5% mà Eurozne đạt được trong năm 2022, nhưng IMF đánh giá rằng châu Âu đã thích nghi với sự leo thang của giá năng lượng một cách nhanh hơn so với dự kiến, và việc giá năng lượng xuống thang gần đây đã giúp ích cho khu vực.
Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất mà IMF cho là sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, với mức suy giảm tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo là 0,6%, trong bối cảnh các hộ gia đình ở nước này phải vật lộn với chi phí sinh hoạt leo thang, bao gồm giá năng lượng và giá thuê nhà.
IMF nâng mạnh triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2023, lên 5,2% từ mức 4,4% đưa ra hồi tháng 10. Năm 2022, chính sách Zero Covid khiến kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 3%, đánh dấu lần đầu tiên trong hơn 40 năm, nền kinh tế nước này đạt mức tăng thấp hơn bình quân toàn cầu.
Tuy nhiên, cú huých từ việc mở cửa trở lại sẽ không duy trì lâu. IMF cho rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm về 4,5% trong 2024, rồi sau đó ổn định dưới ngưỡng 4% do động lực doanh nghiệp suy giảm và bước tiến chậm chạp trong cải tổ cơ cấu.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế Ấn Độ vẫn mạnh. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2023 ở mức 6,1% và năm 2024 ở mức 6,8%, bằng với mức tăng đạt được trong 2022.
Các ngân hàng trung ương được khuyến nghị tiếp tục thắt chặt
Theo ông Gourinchas, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng nhau đóng góp hơn 50% tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023. Ông thừa nhận việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ gây áp lực tăng giá hàng hoá cơ bản, nhưng “nhìn tổng thể, chúng tôi xem việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một lợi ích đối với nền kinh tế toàn cầu” vì giúp giải toả các nút thắt trong sản xuất - nhân tố đẩy lạm phát tăng - và tạo thêm nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc.
Nhưng dù Trung Quốc mở cửa trở lại, IMF vẫn dự báo giá dầu thô thế giới sẽ giảm cả trong năm nay và năm tới do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm so với năm 2022.
IMF nhận định có cả rủi ro và cơ hội đối với triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay, nhưng lượng tiền tiết kiệm gia tăng tạo ra khả năng về sự tăng trưởng nhu cầu một cách vững vàng, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, áp lực thị trường việc làm đang giảm bớt tại một số nền kinh tế phát triển, qua đó giảm bớt sự cần thiết phải tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
IMF cũng chỉ ra một số rủi ro lớn hơn đối với triển vọng kinh tế thế giới, bao gồm Covid-19 bùng mạnh có thể bùng mạnh trở lại ở Trung Quốc và cuộc khủng hoảng bất động sản ở nước này có thể trở nên trầm trọng hơn. Xung đột ở Ukraine nếu leo thang có thể châm ngòi cho giá năng lượng và giá lương thực tăng vọt trở lại, mùa đông tới ở Ukraine cũng có thể lạnh hơn bình thường, khiến châu Âu gặp khó trong việc bảo toàn dự trữ khí đốt và phải tranh mua khí hoá lỏng (LNG) với Trung Quốc.
Dù lạm phát toàn phần đã giảm ở nhiều quốc gia, việc nới lỏng quá sớm các điều kiện tài chính sẽ khiến cho thị trường trở nên dễ tổn thương một khi lạm phát lõi dai dẳng ở mức cao.
Theo ông Gourinchas, lạm phát lõi có thể đã đỉnh ở một số nước như Mỹ, các ngân hàng trung ương vẫn cần giữ cảnh giác và đảm bảo chắc chắn rằng lạm phát đang giảm bền vững, nhất là những nền kinh tế mà lãi suất thực đang thấp, như châu Âu.
Vị chuyên gia kinh tế khuyến nghị các nước “ít nhất nên đưa chính sách tiền tệ thắt chặt hơn một chút so với ngưỡng trung tính và duy trì ở đó. Tiếp đó, các nước nên đánh giá xem điều gì đang diễn ra với các động lực giá cả và cách thức phản ứng của nền kinh tế. Sẽ còn nhiều thời gian để điều chỉnh hướng đi nhằm tránh việc thắt chặt quá mức”.